title

Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM góp phần quan trọng vào thành công trên cả nước
Friday, 15/04/2022, 14:41 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn “Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2022 – HEF 2022”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định tiềm năng và lợi thế của TPHCM trong phát triển nền kinh tế số.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn

TPHCM phải đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, diễn đàn gắn với chủ đề kinh tế số là một cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế số. Những yếu tố cần thiết của quá trình chuyển đổi số bền vững. Trong đó, cần có sự đột phá về mặt thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế theo đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Về nguồn lực con người, trong đột phá không chỉ chú trọng nguồn lực chất lượng cao, mà nguồn lực từ nhà quản trị, kinh doanh có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Ngoài ra, trong phát triển hạ tầng như hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục, đào tạo, trong đó, có hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. Bên cạnh đó, công ty đổi mới sáng tạo, hệ thống tài chính số, công nghệ tài chính cũng phải đi theo.

“Chuyển đổi số là tư tưởng vô cùng quan trọng, sự bắt đầu phải từ rất sớm, thì khi đó TPHCM mới tiếp tục là đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, TPHCM phải đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số.” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hệ quả của phổ biến internet và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp (DN) và nhân dân TPHCM trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số, nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của TPHCM và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực. Do vậy để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, đến 2025 kinh tế số TPHCM đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.

Bên cạnh đó, TP cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế, cần tiếp tục và việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và TP, không máy móc.

“Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút DN, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Cách làm là những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng, thì tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội.” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trong giai đoạn trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Chỉ khi nhận thức đúng, tức hiểu rõ và ủng hộ, DN mới dành thời gian, tiền bạc cho sự thay đổi có tính chất cách mạng này, khi đó việc mới thành công. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức thực sự cần bắt đầu từ các cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền.

Mong muốn nhận được ý kiến đóng góp về xây dựng nền kinh tế số

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai” chính là hoạt động thiết thực giúp TP trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các DN trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số. Điều này giúp thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn TP, giúp DN TP phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả; tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu đề dẫn tại lễ khai mạc diễn đàn

Do vậy, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM giai đoạn 2022-2025”, TP đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của đại biểu về việc triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, nhằm đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025: TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TPHCM là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.

Minh Hiệp

Nguồn: hcmcpv.org.vn

# of Views: 217