title

Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ 1/6/2022
Wednesday, 27/04/2022, 13:25 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Một trong những 'điểm nghẽn' quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính...

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố phổ biến, quán triệt tới các tổ chức, cá nhân tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó lưu ý việc triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phải thiết thực, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, cấp huyện từ ngày 01/12/2022, cấp xã từ ngày 01/6/2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022.

Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm. Triển khai theo kế hoạch hàng năm sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh, tháng 12/2022 phải hoàn thành triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đặc biệt cần thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022. Ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai đối với các dịch vụ công thiết yếu nêu tại Quyết định 06/QĐ-TTg và Quyết định 422/QĐ-TTg.

Chỉ thị cũng yêu cầu thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trong đó rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn...

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các cơ quan truyền thông, báo chí ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 năm 2022.

Phan Anh -

Nguồn: baomoi.com

# of Views: 4248