Số 6 tháng 9/2022 - Số 6 tháng 9/2022 - Chuyển đổi số
Điểm tin:
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tiếp Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat.
TP.HCM hợp tác VNPT đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.
Việt Nam phải tự lực, tự cường về công nghệ số.
Việt Nam đào tạo về Chuyển đổi số cho Cuba.
Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở.
Luật Giao dịch điện tử sẽ “phủ kín” tất cả hoạt động đời sống xã hội và "Không có bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số".
Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ICT.
Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022.
VNPT và Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ký thoả thuận hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu của TPHCM.
Quận 11 tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục .
Kênh tư vấn sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa thông qua Cổng thông tin 1022 chính thức hoạt động.
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực cải cách TTHC.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tiếp Phó Chủ tịch Thượng viện Thái Lan.
Chuyển đổi số là việc buộc phải làm của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh.
An toàn, an ninh mạng là trụ cột quan trọng thúc đẩy chuyển đổi.
Chuyển đổi số - Giải pháp kết nối, quảng bá sản phẩm ngành in TP.HCM.
Phát động Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2022.
Sở GTVT TPHCM ngừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR.
Triển khai Bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Tiêu điểm:
Chuyển đổi số: động lực mới cho sự phát triển của Thành phố.
Hoạt động Chuyển Đổi Số:
Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Thành phố về Chuyển đổi số .
Mô hình Chuyển Đổi Số:
Bộ Giao thông Vận tải ứng dụng công nghệ số trong cung cấp DVCTT đối với lĩnh vực vận tải đường bộ.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp dễ dàng chia sẻ dữ liệu đăng kiểm.
Xác thực hàng chính hãng qua QRCode trong thương mại điện tử.
Văn bản mới:
Tổng hợp các văn bản liên quan Chương trình Chuyển đổi số.
NỘI DUNG TIN THÁNG 9
Phần 1: ĐIỂM TIN
1. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tiếp Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat
Ngày 15/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có buổi tiếp Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ niềm vui được đón tiếp Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat.
Chia sẻ những khó khăn của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn phải đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như những kết quả khả quan của TP trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc gặp gỡ Phó Thủ tướng Heng Swee Keat cùng đoàn đại biểu Bộ điều phối Chính sách kinh tế Singapore trong dịp này rất có ý nghĩa bởi Singapore là quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt, nguồn nhân lực phát triển mạnh để có thể chia sẻ, hợp tác, vượt qua khó khăn, cùng phát triển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực phát triển hạ tầng, kinh tế-xã hội (như hạ tầng số, giao thông, xử lý môi trường…); ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển năng lượng xanh, sạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thế giới cũng như mong muốn của người dân TP.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương Singapore đang có nhiều hoạt động tích cực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore vào năm 2023. Tuy nhiên dư địa và tiềm năng còn rất lớn vì vậy có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư thực chất, nhất là trên lĩnh vực thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hoá, cải cách hành chính công để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển.
Đánh giá cao đội ngũ doanh nghiệp, các nhà đầu tư Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh, TP mong muốn được chia sẻ để phát triển phù hợp với địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ người dân thành phố…
Đánh giá cao những bước phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh và Singapore sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa. Trong đó, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển lĩnh vực hàng không để thúc đẩy phát triển du lịch; phát triển đường biển để vận chuyển hàng hóa và phát triển hạ về tầng số… Cùng với đó, địa phương hai nước cần tạo thêm nhiều điều kiện tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hợp tác, nâng cao chất lượng đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững.
2. Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác VNPT đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh
Ngày 6/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt và xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, nội dung hợp tác bao gồm các lĩnh vực tăng cường chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung, đảm bảo an toàn thông tin và đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin…
Một trong những động lực quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh chính là quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Thời gian qua, VNPT đã đồng hành cùng ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng khung công nghệ và hoàn thiện Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đề án này đóng vai trò tiên phong, đặt nền móng cho Thành phố tiếp tục đón nhận những xu hướng lớn như cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số quốc gia trong rất nhiều lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục…
Đồng thời, là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập những năng lực cơ bản của một đô thị thông minh như kết nối chia sẻ dữ liệu, triển khai các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ mọi mặt đời sống xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm trụ cột của Đề án như Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm Điều hành thông minh, Trung tâm An toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế xã hội vẫn đang được Thành phố quyết liệt triển khai, hoàn thiện. Do đó, chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá, trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Trong chiến lược phát triển chính quyền số, hai bên sẽ tham gia xây dựng các hệ thống dữ liệu chuyên ngành cho các lĩnh vực để Thành phố có thể phát triển kho dữ liệu dùng chung, phát huy hơn nữa tính hiệu quả của nền tảng dữ liệu mở đã xây dựng.
Đại diện VNPT cho biết, đơn vị này cũng sẽ xây dựng, triển khai các hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh cho chính quyền số từ Thành phố đến các quận huyện, Thành Phố Thủ Đức dựa trên những kinh nghiệm VNPT đã làm cho Văn phòng Chính phủ; Nâng cấp hoàn thiện các kênh tương tác giữa chính quyền với người dân doanh nghiệp nhằm giúp Chính quyền Thành phố lắng nghe sâu sát nhất, cho phép người dân, doanh nghiệp tham gia ngày một tích cực vào xây dựng Thành phố.
Ngoài ra, VNPT phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị như Trung tâm An toàn Thông tin và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống số của Chính quyền Thành phố. Để Thành phố thực hiện phát triển kinh tế số, VNPT triển khai các giải pháp chuyển đổi số để thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như ngành dịch vụ thương mại, logistics, giao thông vận tải…
VNPT cam kết sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng viễn thông di động, Internet tốc độ cao, hạ tầng 4G/5G để tạo nền móng sẵn sàng cho chuyển đổi số các ngành kinh tế của thành phố. Đặc biệt, hệ sinh thái chuyển đổi số oneSME tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh các sản phẩm dịch vụ, công nghệ số. Các sản phẩm được thiết kế hướng đến phục vụ tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phát triển kinh tế số, hai bên hợp tác, tư vấn công nghệ trong chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể; hợp tác, cung cấp chính sách, gói dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tư vấn các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử hướng tới phát triển toàn diện nền kinh tế số.
VNPT sẽ phối hợp cùng ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi số và phát triển toàn diện hơn nữa để tiến tới xây dựng xã hội số và công dân số dựa trên việc tổ chức triển khai những chỉ đạo trong Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, kế thừa kết quả của nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối vào các nền tảng số khác trong các lĩnh vực trọng điểm như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, lao động, việc làm và an sinh xã hội… Đặc biệt, tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin - viễn thông; đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp của thành phố.
3. Việt Nam phải tự lực, tự cường về công nghệ số
Chiều 29/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã có buổi tiếp Ông O.H. Kwon, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Qualcomm và đoàn công tác.
Thứ trưởng cho biết, quan điểm phát triển công nghiệp công nghệ số của Việt Nam là tự lực, tự cường, là Make in Viet Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm cho thiết kế vi mạch của thế giới với các lợi thế về nhân lực chất lượng và chi phí hợp lý.
Thứ trưởng chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị Qualcomm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, thông qua hợp tác với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu; đẩy mạnh hợp tác các đối tác có tiềm năng sử dụng chip Qualcomm tại Việt Nam như: VNPT, Viettel,... trong lĩnh vực viễn thông, hoặc BKAV, Xelex trong lĩnh vực máy tính bảng, máy tích xách tay, camera... để phát triển các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cung cấp cho thị trường Việt Nam và cùng các đối tác của Việt Nam đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra khu vực và thế giới thông qua chuỗi cung ứng và mạng lưới khách hàng của Qualcomm.
Trao đổi tại buổi tiếp, Ông O.H. Kwon cho biết, Qualcomm những năm qua đã hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác tại Việt Nam trên các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn. Trong thời gian tới, Qualcomm sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông trong chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chia sẻ kinh nghiệm thiết kế sản xuất vi mạch điện tử; tư vấn xây dựng các văn bản luật liên quan đến công nghệp công nghệ số…
4. Việt Nam đào tạo về Chuyển đổi số cho Cuba
Tối 6/9, theo giờ Việt Nam, Lễ Khai giảng khóa đào tạo về Chuyển đổi số đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Việt Nam và thủ đô Havana, Cuba. Đây là khóa đào tạo thứ 6 dành cho Cuba trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Cuba trong lĩnh vực thông tin và truyền thông kể từ năm 2018.
Tham dự Lễ Khai giảng có Thứ trưởng Bộ Truyền thông Cuba, đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tham tán thương mại Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, lãnh đạo các Sở TT&TT tỉnh Thái Bình và tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện tập đoàn Viettel và VNPT.
Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm chia sẻ và trang bị cho phía Cuba về công tác xây dựng chính sách, chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ các bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số ở cấp địa phương, cụ thể sẽ giới thiệu với phía Cuba về phần mềm “Sổ tay Đảng viên điện tử” tỉnh Thái Bình và nền tảng “Phản ánh hiện trường Hue-S”. Ngoài ra, hai tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam là Viettel và VNPT sẽ chia sẻ về văn hoá đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp và kinh nghiệm phát triển các nền tảng số.
5. Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở
Ngày 17/9 đã diễn ra Ngày hội phần mềm tự do Nguồn mở (Software Freedom Day) - SFD 2022 tại 3 điểm cầu Đà Nẵng, Hà Nội và Cần Thơ. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức vào ngày thứ Bảy tuần thứ Ba trong tháng 9 hàng năm trên toàn thế giới.
Năm nay, tại Việt Nam, 04 đơn vị gồm Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại Học Đà Nẵng, Trường Đại Học Phennikaa (Hà Nội) và Đại Học Cần Thơ cùng phối hợp tổ chức sự kiện.
SFD 2022 là cơ hội giao lưu và kết nối giữa Cộng đồng Nguồn mở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, các lập trình viên, chuyên gia quản trị mạng và sinh viên ngành Công nghệ thông tin của các trường Đại Học/Cao đẳng tại Việt Nam. Hướng đến đối tượng sinh viên và câu chuyện khởi nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên toàn thế giới, các chuyên gia về phần mềm nguồn mở và khởi nghiệp có các bài chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn và các điển hình khởi nghiệp thành công.
SFD 2022 mang đến góc nhìn của các chuyên gia về lĩnh vực ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong nhiều lĩnh vực trong thời Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 như các công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) với các ứng dụng cụ thể trong các lĩnh vực thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất và phân phối sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.
Với chủ đề "Mã nguồn mở cho cuộc sống số", SFD 2022 đã được các chuyên gia đến từ các tổ chức, DN, trường ĐH chia sẻ các giải pháp nổi bật như: Giải pháp mã nguồn mở cho chính quyền số, ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh trong tương lai, khai thác tài nguyên giáo dục mở, ứng dụng phần mềm mã nguồn mở cho sự phát triển công nghệ blockchain, nền tảng Marketing Automation - Open Source, …
6. Luật Giao dịch điện tử sẽ “phủ kín” tất cả hoạt động đời sống xã hội và "Không có bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số"
Sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.
Theo đó, dự thảo sửa đổi lần này một mặt kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005; mặt khác, hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo sửa đổi được mở rộng, “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong luật.
“Luật Giao dịch điện tử không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lình vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường điện tử vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và sẽ không có bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số.
Thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự luật này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ, trong những năm gần đây, vấn đề về chuyển đổi số quốc gia và kinh tế số, chuyển đổi số là một trong những nội dung mới, nội dung trung tâm trong các chiến lược phát triển.
“Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết để góp phần cụ thể hóa và đưa các chủ trương này đi vào cuộc sống. Do vậy, tôi nhất trí rất cao về sự cần thiết sửa đổi”, bà Thanh nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: “Các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các Giao dịch điện tử.”
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường tán thành với việc mở rộng trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh Giao dịch điện tử đối với nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
7. Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ICT
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Đức Long đã có buổi tiếp và làm việc với ông Hur Seong-Woo, Chủ tịch Cục Xúc tiến Công nghiệp Công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIPA).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ mong muốn phía Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các văn bản luật cũng như việc thực thi các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT, công nghệ số cũng như kinh nghiệm xây dựng nguồn nhân lực ICT chất lượng cao. Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam và NIPA sẽ cùng phối hợp kết nối, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng chia sẻ.
Sau khi nghe phát biểu của Thứ trưởng Phạm Đức Long, Ông Hur Seong-Woo cho biết ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, về vai trò điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin – Truyền thông Hàn Quốc trong mối quan hệ với các bộ ngành khác liên quan đến các cơ sở dữ liệu chuyên ngành sao cho dữ liệu được quản lý và sử dụng hiệu quả nhất.
Về đào tạo nguồn nhân lực ICT, ông Hur Seong-Woo cho biết, Trung tâm Hợp tác IT Hàn Quốc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ phía Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ICT với đầy đủ kỹ năng có thể làm việc tại các doanh nghiệp ICT Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc cũng diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ giữa Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam và Cục Xúc tiến Công nghiệp Công nghệ thông tin Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
8. Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW Ngày 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 hợp tác xã trồng trọt, 74 hợp tác xã chăn nuôi, 74 hợp tác xã thủy sản, 4 hợp tác xã diêm nghiệp, 223 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Trong số 17.777 hợp tác xã nông nghiệp có 21% hợp tác xã lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% hợp tác xã bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% hợp tác xã tạo một website đơn giản; 7% hợp tác xã có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% hợp tác xã thực hiện livestream; 7% hợp tác xã thực hiện quảng cáo trên Facebook…
Tại Diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình, ủng hộ thông điệp quyết tâm chuyển đổi số, quyết tâm đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi trong phương thức quản lý và hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, thể hiện sự đồng tình, ủng hộ thông điệp quyết tâm chuyển đổi số, quyết tâm đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi trong phương thức quản lý và hoạt động của kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX).
Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
9. Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022
Ngày 23/9 đã diễn ra sự kiện “Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam” năm 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác tổ chức.
Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Australia National AI Center, Aus4Innovation; các doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) gồm Tập đoàn FPT, Viettel, MoMo…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định sự nhất quán về chủ trương phối hợp của hai cơ quan, đó là: cùng thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) phục hồi kinh tế, định hình tương lai”, đây là cách tiếp cận tiên tiến, đặt công nghệ trong bối cảnh vĩ mô để nhìn nhận, đánh giá vai trò của công nghệ tác động tới các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam là một sự kiện kết nối và phát triển cộng đồng, hệ sinh thái dành cho công nghệ AI; là cơ hội để trao đổi, thảo luận về thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí AI trong các lĩnh vực và các đề xuất để thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ này trong xu thế phát triển mới.
Đồng thời đây cũng là diễn đàn đối thoại, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hướng phát triển của công nghệ AI. Có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiếp cận đầu tiên và phù hợp thực tiễn trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ AI, lấy trọng tâm là ứng dụng công nghệ, phục vụ trực tiếp vào các nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Chiến lược đã nêu rõ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho phát triển các công nghệ mới, trong đó ưu tiên tập trung vào các công nghệ có tính ứng dụng cao, giải quyết những bài toán phát triển cho doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ luôn đồng hành, phối hợp và cùng thúc đẩy các hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển lĩnh vực AI nói riêng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức liên quan thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo lớn về AI như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đã đề ra.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, phối hợp và đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của NIC và hoàn thành việc xây dựng và vận hành Cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; ủng hộ chủ trương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, vào ngày 22/9/2022, chương trình “AI Workshop” - nằm trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, cộng đồng những người quan tâm đến lĩnh vực AI. Chương trình được tổ chức với ba phiên thảo luận về các chủ đề: Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực AI; Tự động hóa trong sản xuất.
10. VNPT và Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ký thoả thuận hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo nội dung hợp tác, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể sẽ triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo tập huấn về chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ số, trong đó có thử nghiệm các nền tảng, giải pháp của VNPT.
Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VNPT đã đồng hành cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp tổ chức 06 hội thảo với sự tham gia của 1.200 doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong cả nước như: Ninh Thuận, Hải Phòng, Bình Dương, Tuyên Quang, Đà Nẵng… nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tầm nhìn của doanh nghiệp; số hoá các hoạt động kinh doanh, tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng; số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp, sản xuất, công nghệ…; hỗ trợ đào tạo, kết nối các giải pháp. Trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT cam kết sẽ ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác, đồng hành cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực và thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao vai trò quan trọng của Tập đoàn VNPT trong việc cung cấp các nền tảng số, các giải pháp hạ tầng và công nghệ, không chỉ cho khối Bộ, ngành, chính quyền địa phương, mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng VNPT sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một doanh nghiệp công nghệ số chủ lực trong chuyển đổi số quốc gia, cung cấp hạ tầng số và các dịch vụ số cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ nhiều kết quả cụ thể của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao sự chủ động, hợp tác chặt chẽ của VNPT để cùng triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, tư vấn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng VNPT với vai trò là một trong các doanh nghiệp số chủ lực trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đồng thời là một trong các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc phát triển nhiều giải pháp, công nghệ số; và tiên phong trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vì một mục tiêu chung là phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày một vững mạnh và bền vững.
Cũng tại sự kiện, VNPT đã giới thiệu Nền tảng chuyển đổi số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp SME tại địa chỉ https://onesme.vn với tên gọi oneSME. Nền tảng oneSME hướng đến mục tiêu kết nối và phát huy sức mạnh cộng đồng cùng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, nền tảng đã có hàng chục nghìn lượt ghé thăm tìm hiểu thông tin về các dịch vụ viễn thông- Công nghệ thông tin dành cho các khách hàng doanh nghiệp. Nhiều gói cước tích hợp dành cho SMEs cũng được VNPT chú trọng triển khai, nhằm mang tới những sự lựa chọn dễ dàng cho các khách hàng doanh nghiệp, qua đó góp phần cùng các địa phương và doanh nghiệp SME thực thi hoạt động chuyển đổi số, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi như hiện nay.
11. Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu của Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 30/8/2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu của Thành phố Hồ Chí Minh”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 100 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho hay, Hội thảo là cơ hội để thành phố lắng nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về những chiến lược, định hướng, chính sách thúc đẩy phát triển chuyển đổi số nói chung và công tác quản trị dữ liệu nói riêng. Đồng thời, đây là dịp ghi nhận các yêu cầu, kỳ vọng về sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản trị của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp nhà nước. Qua đó, có thể hoàn thiện chiến lược quản trị dữ liệu, xác định đúng mức độ ưu tiên, xây dựng được lộ trình, kế hoạch triển khai các hạng mục, dự án về tạo lập và khai thác dữ liệu phù hợp, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của thành phố.
Hiện Sở đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chiến lược Quản trị dữ liệu của thành phố. Chiến lược sẽ xác định tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể, lĩnh vực ưu tiên, lộ trình, kế hoạch triển khai các dự án, hạng mục số hóa, tạo lập và khai thác dữ liệu phục vụ nhu cầu quản trị của thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố, tập trung vào ba nhóm dữ liệu: không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; liên quan đến thông tin của người dân; phát triển kinh tế, tài chính.
Ông Tan Kim Leng, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết phạm vi của chiến lược và quản trị dữ liệu gồm cung cấp các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhóm công tác quản trị dữ liệu của Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng phương pháp quản lý dữ liệu tổng thể; hỗ trợ xây dựng và áp dụng một khung kiến trúc dữ liệu cho toàn bộ chính quyền thành phố.
Theo ông Tan Kim Leng, các động lực của việc thay đổi là công nghệ, sự kết nối, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ. Mục tiêu của chuyển đổi số là nắm bắt văn hóa đổi mới, tạo tầm nhìn về một tương lai khác, khai thác, khám phá các thay đổi về mặt công nghệ, năng lực cạnh tranh, nhu cầu và hành vi của các bên liên quan. Yêu cầu về dịch vụ trong chuyển đổi số là hiểu rõ nhu cầu và quản lý kỳ vọng của khách hàng. Từ đó, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, đảm bảo sự hợp lý và tối ưu hóa các quy trình để đạt được sự cải tiến thông qua đo lường hiệu suất về dịch vụ, thời gian, chất lượng và chi phí.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về kế hoạch phát triển thành phố và kế hoạch triển khai chuyển đổi số của TP; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu và chia sẻ dữ liệu…
12. Quận 11 tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục
Ngày 31/8, Uỷ ban nhân dân Quận 11 tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021 – 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 – 2023 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, qua đó đúc kết kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Ngô Thị Hoàng Các, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Quốc Lâm, Bí thư Quận ủy; Nguyễn Tăng Minh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Trần Phi Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận; Nguyễn Trần Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận.
Năm học 2021-2022 được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Nhiều nhiệm vụ quan trọng không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục, tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh và các bậc phụ huynh.
Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã triển khai kịp thời và hiệu quả các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong tất cả các đơn vị trường học, linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện tốt các chỉ tiêu phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học với nhiều kết quả nổi bật. Một số kết quả cụ thể như: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,86%; Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Kết thúc năm học, có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Nhiều em học sinh đã nỗ lực, phấn đấu, thi đua học tập, tham gia và đạt thành tích cao trong các hội thi cấp Quốc gia và cấp Thành phố.
Quận cũng tăng cường triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học tác động tích cực đến quá trình đổi mới phương pháp dạy học và quản lý giáo dục như duy trì và mở rộng thực hiện cung cấp dịch vụ tuyển sinh trực tuyến nhằm cải cách hành chính, tạo sự thuận tiện cho phụ huynh học sinh thực hiện thủ tục cho con em nhập học. Chủ động tổ chức các hoạt động giảng dạy trực tuyến trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Tổng số cá nhân Lao động tiên tiến toàn ngành là 2.213; 6 đơn vị nhận Cờ thi đua Thành phố; 47 tập thể lao động Xuất sắc. 23 tập thể và 192 cá nhân nhận Bằng khen UBND TP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành Giáo dục Quận 11 trong năm học vừa qua để thích ứng an toàn linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng toàn xã hội.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong giai đoạn mới hiện nay, cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, phát triển nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ; tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 11 Nguyễn Trần Bình đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ban giám hiệu các trường tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung của chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Ban giám hiệu các trường phải quán triệt thực hiện mục tiêu kép “Vừa dạy tốt học tốt, vừa phòng chống dịch an toàn”, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là các đơn vị cần tiếp tục quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để chủ động giúp đỡ, tuyệt đối không để các em vì khó khăn về kinh tế phải nghỉ bỏ học.
Dịp này, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 11 đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021. Tại buổi lễ tổng kết đã trao Bằng khen của UBND Thành phố cho 47 tập thể Lao động xuất sắc, 22 tập thể và 129 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm học liên tục.
13. Kênh tư vấn sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa thông qua Cổng thông tin 1022 chính thức hoạt động
Ngày 3/9/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiếp nối thành công của “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh COVID-19”, Sở đã phối hợp với Sở Y tế và Hội Y học TP triển khai “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” thông qua Cổng thông tin 1022, chính thức hoạt động từ 8 giờ sáng nay.
Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tư vấn được thực hiện tất cả các ngày trong tuần theo các khung giờ cố định (Buổi sáng: từ 8 giờ đến 10 giờ; Buổi chiều: từ 14 giờ đến 16 giờ; Buổi tối: từ 19 giờ đến 21 giờ). Kênh tiếp tục nhận được sự tham gia tình nguyện của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm đến từ Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh.
Với việc đưa vào hoạt động “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” thông qua Cổng thông tin 1022, người dân TP có thể tiếp cận một cách dễ dàng, nhanh chóng với những thông tin sức khỏe hữu ích, chính thống, khoa học. Từ đó, giúp người dân có cảm giác an toàn, giữ vững tinh thần lạc quan khi luôn có các bác sĩ đồng hành trong quá trình phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, Cổng thông tin 1022 đã và đang tiếp nhận các thông tin sau:
- Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 0);
- Tiếp nhận ý kiến góp ý, hiến kế của người dân gửi đến Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 1);
- Cung cấp thông tin về xe buýt hoặc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ (gọi 1022 – nhấn phím 9);
Tất cả các cuộc gọi đến 1022 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đều được miễn phí cước
14. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực cải cách Thủ tục hành chính
Sáng 15/9, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã tham dự Hội nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, một số doanh nghiệp.
Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết các thủ tục hành chính qua môi trường mạng tại Thành phố đạt tỉ lệ thấp. Sáu tháng đầu năm 2022, Thành phố chỉ đạt được 34,13% tương đương 2,2 triệu hồ sơ. Đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận lý do là Thành phố chưa hoàn thiện được cổng dịch vụ công của Thành phố kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời số lượng hồ sơ của Thành phố cũng rất lớn. Hiện Thành phố đang tập trung quyết liệt để tháng 10 này sẽ hoàn thành xong cổng dịch vụ công kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với việc triển khai Đề án 06, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang rất tập trung, nhưng do quy mô, số lượng lớn nên việc thực hiện tại thành phố có hơi chậm. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các bộ, ngành trung ương có sự phối hợp, thống nhất để giúp các địa phương triển khai tốt.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi cho biết vừa qua, thành phố đã triển khai tháng cao điểm hành động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày khoảng 700.000 hồ sơ. Từ đó, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục phát huy kết quả này đến cuối năm. Bên cạnh đó, vừa qua nhiều mô hình mà sở, ngành, quận, huyện đã ứng dụng chuyển đổi số để triển khai cũng đạt kết quả tốt. Đồng thời, khẳng định TP sẽ tập trung chỉ đạo triển khai lĩnh vực này để làm sao ứng dụng được công nghệ phục vụ cho việc CCHC.
Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh đã xin thí điểm hệ thống thông tin quản trị thực thi công việc phục vụ điều hành chỉ đạo. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa lên hệ thống, theo dõi được 27 chỉ tiêu thuộc 5 ngành. Bên cạnh đó, đối với việc theo dõi, tiếp nhận giải quyết kiến nghị phản ánh của tổ chức cá nhân qua cổng 1022, đến nay lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã có thể theo dõi được thời gian thực kết quả tiếp nhận và giải quyết của quận huyện, phường - xã.
Để công tác cải cách Thủ Tục Hành Chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị giữa các bộ ngành nên có sự thống nhất về quy chế quy định quy trình, về dữ liệu, hạ tầng, để địa phương dễ thực hiện. Đồng thời, các bộ ngành cần đẩy nhanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để địa phương có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 và liên thông điện tử cho các cá nhân tổ chức dễ thực hiện. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần đa dạng hình thức thực hiện, thành phần số lượng hồ sơ như nộp trực tuyến, trực tiếp, ủy quyền để người dân có thể lựa chọn.
15. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tiếp Phó Chủ tịch Thượng viện Thái Lan
Chiều 20/9, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tiếp đoàn đại biểu Thượng viện Thái Lan do ông Supachai Somcharoen, Phó Chủ tịch Thượng viện dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành Phố Võ Văn Hoan bày tỏ tin tưởng chuyến thăm và làm việc tại Thành phố sẽ giúp các thành viên đoàn đại biểu Thượng viện Thái Lan có thêm những hiểu biết về thành phố Hồ Chí Minh, qua đó góp phần nâng cao tình hữu nghị, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh với Thái Lan.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Võ Văn Hoan và ông Supachai Somcharoen cũng trao đổi, chia sẻ thông tin về quản lý giáo dục, chính sách tài khóa, thúc đẩy số hóa trong dịch vụ hành chính công, hướng tới việc xây dựng đô thị thông minh.
16. Chuyển đổi số là việc buộc phải làm của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh
Chiều 20/9, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã tổ chức Diễn đàn cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum với chủ đề “Smart Manufacturing” (sản xuất thông minh). Chương trình thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, tập đoàn, hiệp hội tham gia thảo luận và kết nối về đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực
Phát biểu tại diễn đàn PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn các doanh nghiệp trên thế giới. Industry Innovation Forum là sự kiện lầu được tổ chức và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên. Tại chương trình, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài/FDI, nhóm đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số, nhóm startup (khởi nghiệp) công nghệ và nhóm các nhà hoạch định chính sách sẽ quy tụ tại diễn đàn để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối, hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
Riêng SHTP, hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, nơi tập trung tri thức và hàm lượng đổi mới sáng tạo lớn, ươm tạo. Tại đây có 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch và CEO Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP), đơn vị đồng tổ chức diễn đàn chia sẻ, việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên chỉ mới có một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.
Cải tiến phù hợp với sự thay đổi xu hướng mới
Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số là việc buộc phải làm của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên văn hóa tổ chức doanh nghiệp và nhân lực đủ khả năng cho việc chuyển đổi này tính từ cấp giám đốc là vấn đề rất lớn, bao gồm ở cả các doanh nghiệp tư vấn. Bên cạnh đó, chỉ tiêu phát triển bền vững của từng doanh nghiệp không phải là việc để nói mà việc phải làm, phải mang trong đầu từng trong doanh nhân nhất là doanh nghiệp sản xuất. Ngoài việc tập trung cho hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, việc lập chiến lược, kế hoạch trong tổng toàn cầu là điều để các doanh nghiệp cần tính toán.
Đề cập vai trò của Hiệp hội ngành nghề trong sản xuất thông minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư U&I, ông Mai Hữu Tín cho rằng, không một doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp lớn nhất có thể nắm hết, biết hết mọi tiến bộ trong ngành của mình hay tự mình tạo ra mọi việc. Hiệp hội ngành nghề chính là nơi phù hợp nhất để chia sẻ cách thực hành tốt nhất kinh nghiệm và nguồn lực để có thể tiếp cận công nghệ thông tin mới nhất phục vụ viêc chuyển đổi của mình và các hội viên.
Một số ý kiến cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn lực tự mình xây dựng và phát huy hiệu quả các hạ tầng sử dụng chung để phục vụ sản xuất thông minh. Hạ tầng số phục vụ chuyển đổi sản xuất thông minh như: trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai cần được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng không nên tự mình đầu tư hết cho nội dung này, cần cơ chế hỗ trợ để tập đoàn kinh tế lớn triển khai hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm, uy tín toàn cầu để xây dây dựng và vận hành các trung tâm như vậy. Bên cạnh việc cần có ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh với hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế và thường xuyên được cập nhật, thì cần quan tâm đến phát triển ngành nhân lực phục vụ sản xuất thông minh.
Đối với việc ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài cho rằng, hệ thống quy định, quy trình phải được cải tiến thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của xu hướng mới về công nghệ và quản trị. Hạ tầng công nghệ thông tin phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số cần nắm vững chuyên môn và quản trị, phải được đào tạo bài bản các kiến thức về số hóa và khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
17. An toàn, an ninh mạng là trụ cột quan trọng thúc đẩy chuyển đổi
Chiều 21/9 tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo Công Nghệ Thông Tin và An toàn thông tin năm 2022 do Cục An toàn thông tin - Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) và IEC Group phối hợp tổ chức.
Trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề rất quan trọng chính là bảo đảm an toàn, an ninh mạng. “Khi thực hiện chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 1 trụ cột, 1 nội dung rất quan trọng để tạo niềm tin số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Nếu không bảo đảm được an toàn, an ninh mạng thì quá trình chuyển đổi số cũng không thể thu được thành công như mong muốn”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chia sẻ quan điểm trong bài phát biểu tại Hội nghị với chủ đề “Tối ưu nguồn lực - Tăng cường hiệu quả đầu tư an toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông Tin và Truyền Thông (Bộ Thông Tin và Truyền Thông) cho hay, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số đang diễn ra mạnh mẽ. Mỗi ngày trung bình 1 người Việt Nam trực tuyến trên Internet gần 7 tiếng. “Thời lượng này sẽ tiếp tục tăng, tạo ra thách thức vô cùng lớn cho những người chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng. Chỉ cần một sự cố an toàn, an ninh mạng nghiêm trọng có thể là ngưng trệ chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng thông tin, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 900 cuộc tấn công mạng và 40 điểm yếu lỗ hổng bảo mật an toàn thông tin, chuỗi cung ứng tấn công có chủ đích, mã độc, tống tiền và nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống các doanh nghiệp sẽ gia tăng.
Xu hướng chuyển dữ liệu và ứng dụng sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây đã rõ ràng. Điện toán đám mây đang tạo ra các mối đe dọa mới về an toàn, an ninh mạng. Một nghiên cứu đã công bố gần đây cho thấy gần 80% công ty tham gia khảo sát đã gặp vấn đề rò rỉ dữ liệu tấn công mạng trên đám mây; trong đó 43% doanh nghiệp báo cáo đã có hơn 10 lần dữ liệu bị xâm phạm.
Dự đoán số vụ tấn công DDos sẽ tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ vào năm 2023. Trung bình mỗi giờ ngừng truy cập Internet của các tổ chức, doanh nghiệp có thể thiệt hại khoảng từ 300.000 USD tới 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDos ngắn cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
“Nguy cơ mất an toàn thông tin rất rõ ràng, nhưng phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro. Vì thế, tôi đề nghị lãnh đạo Công Nghệ Thông Tin, an toàn thông tin của các tổ chức triển khai bảo đảm an toàn hệ thống thuộc phạm vi quản lý của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 14 năm 2019 và Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia”, ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Robert Trọng Trần, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Lãnh đạo mảng rủi ro công nghệ và an ninh mạng của EY Việt Nam cho biết, theo khảo sát, 81% các lãnh đạo trên toàn cầu phản hồi đại dịch Covid-19 đã bắt buộc các doanh nghiệp phải bỏ qua các quy trình an toàn bảo mật cần thiết, trong khi các cuộc tấn công mạng đang diễn ra nhiều hơn theo phản hồi từ 77% số người tham gia khảo sát.
“Đây cũng là lý do vì sao EY luôn nhấn mạnh rằng chuyển đổi số phải được thúc đẩy bởi an ninh mạng. Việc có 1 chiến lược an ninh mạng rõ ràng sẽ cho phép các tổ chức tiến nhanh và tự tin trong môi trường đầy nguy cơ và thách thức như hiện nay”, ông Robert Trọng Trần nói.
Khẳng định quan điểm an ninh mạng phải luôn song hành cùng chuyển đổi số, đại diện Viettel Cyber Security cho rằng, cần xác định và ưu tiên đưa nguồn lực an toàn thông tin vào cùng với lực lượng chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái sản phẩm theo định hướng tích hợp đồng bộ trên 1 nền tảng quản trị duy nhất; đồng thời đồng bộ mô hình đầu tư các dự án chuyển đổi số với các dự án bảo đảm an toàn thông tin cũng như tăng cường năng lực phòng thủ bằng công nghệ.
Bên cạnh đó, đại diện Viettel Cyber Security cũng đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cân bằng, vững chắc và an toàn giữa 3 bên gồm chủ đầu tư, đối tác chuyển đổi số và đối tác an toàn thông tin.
18. Chuyển đổi số - Giải pháp kết nối, quảng bá sản phẩm ngành in Thành phố hồ chí minh
Chiều 22/9, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hội In Thành phố hồ chí minh tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Chuyển đổi số - Giải pháp kết nối, quảng bá sản phẩm ngành in Thành phố hồ chí minh trong giai đoạn phục hồi kinh tế". Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động triển lãm ngành in Thành phố hồ chí minh diễn ra từ ngày 21/9 đến 24/9/2022; đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Chủ trì buổi tọa đàm có: Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội in TP.HCM Ngô Anh Tuấn.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Công Thị Minh Sơn, phụ trách lĩnh vực in của Cục Xuất bản, cho hay, việc chuyển đổi công nghệ trước trong sau in tuy có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều. Tỷ lệ áp dụng các công nghệ thiết bị mới còn thấp, thiếu sự cập nhật. Về nhân lực vừa yếu vừa thiếu, năng suất lao động thấp. Số lao động có trình độ tay nghề cao phần lớn đã hết tuổi lao động dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm sút. Từ thực trạng đó, bà Công Thị Minh Sơn đề xuất cần phải có các trung tâm tư vấn ngành in với nhiệm vụ: tư vấn công nghệ và quản trị, tư vấn pháp luật, chuyển giao công nghệ hướng đến thực hiện quản trị, quản lý chất lượng đạt các chứng chỉ quốc tế. Đồng thời, trung tâm cũng hỗ trợ đào tạo dạy nghề, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư…
Chủ tịch Hội in TP.HCM Ngô Anh Tuấn đề xuất xây dựng khung năng lực số cho cán bộ chủ chốt ngành in bao gồm 8 nhóm năng lực: vận hành thiết bị và phần mềm, khai thác thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, an toàn về an ninh số, sáng tạo nội dung số, học tập và phát triển kỹ năng số, sử dung năng lực số cho ngành in, chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp. Theo ông Ngô Anh Tuấn, muốn chuyển đối số thành công các ngành in cần phải xây dựng được đổi ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực số phù hợp khung năng lực số được xây dựng làm nền tảng để phát triển các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ.
Các doanh nghiệp ngành in cũng thống nhất việc cần thiết chuyển đổi số trong ngành in. Tuy nhiên, doanh nghiệp in, bao bì cần chọn cho mình lối đi để đạt an toàn và thuận lợi cho việc cung ứng và mua sắm công nghiệp với các công cụ số hiện có trên thị trường. Đồng thời, không có công thức phổ quát cho mọi doanh nghiệp, do vậy tự mỗi doanh nghiệp phải tìm cách để chuyển đổi số theo quy trình quản lý mua sắm, cũng như sản xuất và kinh doanh.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với các lĩnh vực, trong đó có ngành in, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, trước hết phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ đó doanh nghiệp chủ động tiếp cận và mạnh dạn thí điểm, triển khai. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp ngành in phát triển cả chiều sâu, chiều rộng, để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cục đã có định hướng xây dựng trung tâm tư vấn ngành in, hoạt động theo hình thức xã hội hóa để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực từ quản trị, công nghệ, nhân lực…
Phát biểu kết luận tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho biết, ngày 28/12/2016, Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố đã đồng ý về chủ trương cho ngành in tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Hiện nay, các ngành sản xuất đang nỗ lực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong số đó có ngành in. Công nghiệp in trước đây và hiện nay luôn là một trong những ngành có khả năng tận dụng thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của thế giới để phát triển. Bằng việc tự động hóa, số hóa và nối mạng của công nghệ, thiết bị sử dụng trong công nghệ in những năm qua, công nghiệp in đã tiếp cận đến rất gần và một phần đã thuộc về nền công nghiệp 4.0. Thông qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp ngành in đã nhìn nhận giải pháp cho đơn vị về chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm ngành in trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
19. Phát động Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố hồ chí minh năm 2022
Chiều 22/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn thành phố, Hội Tin học thành phố, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam phát động Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022.
Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022 dành cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam tham gia. Thời gian đăng ký tham gia từ ngày phát động đến 15-10 tại địa chỉ: https://aichallenge.hochiminhcity.gov.vn.
20. Triển khai Bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng
Chiều 29/9, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức theo hình thức trực tuyến Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho Tổ công nghệ số cộng đồng. Tham dự Hội nghị có đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện; phường – xã - thị trấn.
Hội nghị tập huấn này nhằm triển khai chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 4510/BTTTT-CĐSQG ngày 5/9/2022 về việc triển khai Kế hoạch Bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng. Theo đó, mục tiêu đến hết tháng 9/2022, hoàn thành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 100% Tổ công nghệ số cộng đồng tại 63 địa phương trên cả nước.
21. Sở Giao Thông Vận Tải Thành phố hồ chí minh ngừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR
Sở Giao thông Vận tải TP vừa có văn bản 9625/SGTVT-KT thông báo dừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối.
Theo đó, các đơn vị, chủ phuơng tiện vận tải hàng hoá thực hiện việc đăng ký, sử dụng Giấy nhận diện có mã QR, thông qua địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn, theo quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Việc đăng ký để nhận Giấy nhận diện này được thực hiện tự động (các Sở Giao thông Vận tải không phê duyệt như trước đây).
Sở Giao thông vận tải dừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối.
Các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia căn cứ mục 3 hướng dẫn kèm Công văn số 3323/CATP-PV01 của Công an TP để triển khai thực hiện (Xe chở nhân viên cơ quan, doanh nghiệp không được cấp mã QR phải có: 01 người ngồi trên xe có Giấy đi đường theo quy định. Người ngồi trên xe phải có giấy tờ chứng minh cùng Cơ quan, công ty, doanh nghiệp…).
Để phòng ngừa ùn tắc giao thông, góp phần phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện phải thực hiện khai báo y tế qua địa chỉ Website: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi tham gia giao thông.
Trường hợp cần thêm thông tin chi tiết hoặc gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị liên hệ ông Nguyễn Kiên Giang, số điện thoại: 0988.205.533 hoặc hộp thư điện tử: sgtvt@tphcm.gov.vn.
Trung tâm Báo chí TPHCM cung cấp hướng dẫn kê khai thông tin đăng kí Giấy chứng nhận phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Phần 2: CHỦ ĐIỂM TRONG THÁNG:
1. Chuyển đổi số: động lực mới cho sự phát triển của Thành phố.
Phát động tuyên truyền, phổ biến thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số, triển khai Chiến lược quốc gia trong Chuyển đổi số, chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10), dưới sự chủ trì của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố hồ chí minh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương tổ chức các hoạt động Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố hồ chí minh 2022. Tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 14/10/2022.
Tuần lễ nhận được sự hưởng ứng, chung tay của Đại sứ quán Phần Lan, Lãnh sự quán New Zealand, các trường viện, hiệp hội, tổ chức sở ban ngành, quỹ đầu tư và các tổ chức doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước…
Hưởng ứng Chiến lược quốc gia trong Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số nhằm phát động phong trào, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng chung tay quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số của Thành phố hồ chí minh. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cuộc sống, đặc biệt khu vực công, y tế và giáo dục; Thu hút sự quan tâm của các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước về việc hỗ trợ Thành phố chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Các hoạt động Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố hồ chí minh 2022
Ngày 8/10: Công bố Khai mạc Tuần lễ được tổ chức trực tiếp/trực tuyến tại Trung tâm Báo chí Thành phố với sự tham dự của 200 đại biểu; Triển lãm, giới thiệu sách, tác phẩm về Chuyển đổi số tại Đường sách Nguyễn Văn Bình; UEH BizTech Hackathon dự kiến tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố hồ chí minh (UEH); Tập huấn kiến thức khởi nghiệp trong nông nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến tổ chức trực tiếp tại trường Đại học Nông Lâm Thành phố hồ chí minh.
Ngày 9/10, UEH BizTech Hackathon (tiếp theo); Tọa đàm về Nâng cao năng lực sẻ của đoàn viên thanh niên tham gia chuyển đổi số tại Nhà văn hóa Thanh niên; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia của đoàn viên, thanh niên Thành phố.
Ngày 10/10, Cuộc thi “Chuyển đổi số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội nghị 272; Hội thảo “Các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và kinh nghiệm sử dụng nguồn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” tổ chức trực tiếp tại Saigon Innovation Hub; Vòng bán kết cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp lần V năm 2022 tổ chức dự kiến tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố hồ chí minh.
Ngày 11/10, chương trình tập huấn hợp tác với chuyên gia New Zealand nhằm thúc đấy hoạt động đoi mới sáng tạo trong khu vực công – Govtech dự kiến trực tiếp/trực tuyến tại Sở Khoa học và Công nghệ; Hội thảo Huấn luyện kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh và truyền thông dự án khởi nghiệp nông nghiệp dự kiến trực tiếp tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố hồ chí minh.
Ngày 12/10, Hội nghị “Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo”; Các chương trình tập huấn Nâng cao kỹ năng và hiệu suất làm việc thông qua các ứng dụng công cụ số cho cán bộ công chức trên địa bàn Thành phố; Chương trình tập huấn hợp tác với chuyên gia New Zealand nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công - Govtech (tiếp theo)
Ngày 13/10, khai mạc triển lãm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố hồ chí minh (Sự kiện mở đầu cho 02 ngày chính của chuồi sự kiện với sự tham dự của các lãnh đạo trung ương, địa phương); Triển lãm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số (triển lãm sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số, Tech41ife - Công nghệ cho cuộc sống, triển lãm sản phẩm của các tập đoàn lớn) với dự kiến 250 gian hàng; Công bố Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phổ Hồ Chí Minh; Hội thảo khoa học: “Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; Tọa đàm quốc tế về Chuyển đổi số từ Phần Lan; Hội thảo quốc tế về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation International Conference); Cuộc thi chuyển đổi số trong giáo dục “DigiTrans Edtech 2022”; Chương trình kết nối đầu tư - UII Demoday; Hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ phục vụ cho công việc; Hội thảo giới thiệu, trình diễn các sản phẩm công nghệ mới; Hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ phục vụ cho cuộc sống; Chung kết Cuộc thi Design Thinking Camp cho Thanh niên - Sinh viên năm 2022; Tổng kết hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố hồ chí minh; Ngày hội việc làm kết hợp tọa đàm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Ngày 14/10: Triển lãm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (tiếp theo); Sự kiện giao lưu, kết nối các nhà đầu tư, tập đoàn với cộng đồng khởi nghiệp Thành Phố; Hội thảo “Đại học khởi nghiệp”; Hội nghị “Nền tảng số trong mối quan hệ Chính quyền và Doanh nghiệp - Điều kiện để kinh tế bứt phá”; Chung kết Cuộc thi Design Thinking Camp cho Thanh niên - Sinh viên năm 2022 (tiếp theo); Tổng kết Hội thi thử thách trí tuệ nhân tạo, và Cuộc thi hiến kế, góp ý Chuyển đổi số cho Thành phố hồ chí minh; Hội thảo về Blockchain; Ra mắt Thư viện số lịch sử doanh nhân Việt Nam; Hội thi STEM Robot Challenge 2022, chủ đề “F1 in Ho Chi Minh City - Giải đua xe F1-Racing bảng A và B” dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở; Trao giải thưởng đổi mới sảng tạo I-Star năm 2022 và Lễ tổng kết Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số; Sự kiện kết nối đầu tư cho các startups sau giai đoạn hạt giống (seed fund).
Trong khuôn khổ Tuần lễ, ngày 22 và 23/10, các hoạt động liên hoan tuổi trẻ sáng tạo với sự tham dự của 500 đại biểu, dự kiến tổ chức trực tiếp tại Nhà văn hóa Thanh niên.
Bên cạnh đó, các sở ngành, quận, huyên, Thành phố.Thủ Đức sẽ phối hợp, triển khai giới thiệu, công bố các sáng kiến, giải pháp Chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành; Phát động thực hiện thúc đẩy mua sắm trực tuyến qua sàn thương mại điện tử; xuất nhập khẩu; Phát động thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giao thông vận tải, tài chính,...
3. Chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp 2022 (Creative idea Challenge - CiC)
CiC 2022 là sáng kiến xuất phát từ các nhà sáng lập từ startup và Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG –HCM (ITP) mong muốn tạo ra một cuộc thi chuyên sâu về khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên. Cuộc thi nằm trong chuỗi hệ thống các chương trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại Học Quốc Gia -Hồ Chí Minh, dựa vào khung mô hình “hành trình khởi nghiệp”.
Cuộc thi là nơi “truyền cảm hứng”, dẫn dắt các dự án tự “khám phá” và “trải nghiệm” trong môi trường khởi nghiệp thực tế. Mục đích cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần và tư duy khởi nghiệp, tìm kiếm và nâng tầm các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, ươm mầm và gọi vốn cho các dự án khả thi từ những cá nhân và nhóm dự án với các ý tưởng sơ khai ban đầu.
Hành trình của cuộc thi là một quá trình huấn luyện và đào tạo khởi nghiệp kéo dài từ 6 – 8 tháng. Sinh viên với các ý tưởng/dự án sẽ được cung cấp những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm trong môi trường khởi nghiệp thật sự dưới sự hướng dẫn của hơn 40 nhà sáng lập, các chuyên gia và nhà cố vấn nhiều kinh nghiệm.
Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, cuộc thi đã lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ về hoạt động khởi nghiệp, tạo ra một sân chơi thực sự thú vị cho sinh viên trên toàn quốc. Điều này đã thể hiện rõ thông qua những con số hết sức ấn tượng, tăng dần qua mỗi năm. CiC 2020 đã tiếp cận hơn 600.000 sinh viên, với gần 700 sinh viên cùng 250 dự án đến từ 84 trường Đại học, Cao đẳng tham dự trực tiếp, thu hút sự chú ý của hơn 100 cơ quan báo đài đưa tin.
Đặc biệt, từ năm 2020, cuộc thi đã tổ chức theo cấu trúc quốc tế, với các đội thi hoàn toàn bằng tiếng Anh, tiến tới mở rộng và thu hút nhiều đội thi từ các trường Đại học trên thế giới. Theo như Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc chương trình hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Thụy Sĩ tại Việt Nam, Swiss EP, nhìn nhận “Chúng tôi đã đưa các chuyên gia quốc tế đánh giá về cách thức tổ chức, cấu trúc chương trình của cuộc thi CiC. Và các chuyên gia đều kết luận, đây là Cuộc thi mang đẳng cấp quốc tế, cần mở rộng cho các đội thi quốc tế tham dự cùng tranh tài với các đội thi của Việt Nam. Điều này sẽ giúp nâng tầm và cộng hưởng thêm giá trị cho cuộc thi”.
Kế hoạch CiC 2021, cuộc thi sẽ thật sự là nơi giao lưu, kết nối và tranh tài mang tầm quốc tế giữa các sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước. Và cuộc thi cũng sẽ hướng đến chủ đề xây dựng và phát triển các giải pháp và mô hình cho Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Để có được những thành quả trong 5 năm vừa qua, đó là nhờ sự đồng hành hỗ trợ từ trực tiếp của lãnh đạo của Đại Học Quốc Gia-Hồ Chí Minh, các Trường Đại học thành viên, các Trung tâm trong Đại Học Quốc Gia-Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ truyền thông của các Trường Đại học trong khu vực và cơ quan báo chí. Đặc biệt, là sự tài trợ xuyên suốt của Sở Khoa học và Công nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, Quỹ khởi nghiệp Đại Học Quốc Gia-Hồ Chí Minh và các nhà tài trợ.
(Các dự án tiêu biểu vào vòng chung kết, xem thêm tại https://cic.itp.vn/)
4. Tổng kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Nguyễn Tất Thành, ngày 7/10/2022
Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022” với chủ đề “Challenge of creative startups for smart city 2022” do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Nhà Văn hóa Sinh viên Thành Phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức với sự bảo trợ chuyên môn của Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam và các đơn vị đồng hành.
“Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” là một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng kiến các giải pháp sáng tạo trong cộng đồng sinh viên; đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; Tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong học tập – nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống của thế hệ trẻ. Cuộc thi cũng giúp kết nối doanh nghiệp với sinh viên, tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng gặp gỡ, tiếp cận các nhà đầu tư; đồng thời, tìm kiếm, lựa chọn các ý tưởng sáng tạo và dự án có tính mới, khả thi để tư vấn hỗ trợ, ươm tạo và triển khai thành công để trở thành các startup.
Ngày 07/10, sẽ trao giải thưởng cho các dự án đạt xuất sắc và dự án vào chung kết được tiếp cận các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để gọi vốn. Tổng giải thưởng 65.000.000 đồng tiền mặt, các gói ươm tạo tại NIIC trị giá 300.000.000 đồng.
5.Thành Phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số, mục tiêu kinh tế số chiếm 25% năm 2025
Mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, nhằm đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025: Thành Phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…
Kinh tế số chiếm 25% đến năm 2025
Chủ tịch UBND Thành Phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Thành Phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, kinh tế số là động lực tăng trưởng và phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh trong tương lai. Thời gian qua, Thành Phố Hồ Chí Minh đã có các hoạt động trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số. Điều này giúp thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố, giúp doanh nghiệp thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả; tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số.
“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, Thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của đại biểu về việc triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, nhằm đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025: Thành Phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đến năm 2030, Thành Phố Hồ Chí Minh là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến đô thị thông minh
Cổng thông tin chuyển đổi số TP.HCM, đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Cổng thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp... tại thành phố. Đây là một trong những bước đi cụ thể trong kế hoạch triển khai chương trình "Chuyển đổi số của Thành Phố Hồ Chí Minh" được UBND Thành phố ban hành hồi cuối tháng 2.
Thông qua Cổng thông tin chuyển đổi số, lãnh đạo Thành Phố Hồ Chí Minh có thể nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ công chức kịp thời hệ thống hóa và nắm bắt các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số của thành phố. Chuyên gia, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập, tìm hiểu thông tin về chuyển đổi số của thành phố; tìm kiếm các ứng dụng, hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp trên nền tảng số phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống; trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số của thành phố thông qua các đề xuất, sáng kiến…
Chương trình Chuyển đổi số của Thành Phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu trên, Thành Phố Hồ Chí Minh đã có những bước đi và lộ trình cụ thể. Mới đây, UBND Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 593 về triển khai chương trình "Chuyển đổi số của Thành Phố Hồ Chí Minh" và đề án "Xây dựng Thành Phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh".
Là đơn vị chủ lực triển khai các chương trình chuyển đổi số của thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm hoạt động trong năm 2022 là tiếp tục triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh đến năm 2025, chương trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng viễn thông và phát triển hạ tầng số, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020-2030... Trong đó, hiện thực hóa các chỉ tiêu mà UBND thành phố đã đề ra, như: kinh tế số đóng góp 15% GRDP của thành phố; 85% người dân có smartphone; 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cổng giao tiếp công dân với chính quyền thành phố; hệ thống theo dõi kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022...
Về đề án phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số giai đoạn 2020-2030, Sở TT&TT tăng cường phủ sóng 3G, 4G, hướng đến 5G và cáp quang đến cấp xã, khu phố, ấp. Đồng thời, sở sẽ tham mưu triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ smartphone có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố...
Đáng chú ý, Sở TT&TT sẽ phát triển ứng dụng AI trong một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, giao thông. Trong đó, sở đưa ra một số đề án như xây dựng trợ lý ảo phục vụ chính quyền số và hệ thống tổng đài 1022; ứng dụng AI để giám sát mạng xã hội...
IOC “bộ não số” tổng hợp, điều hành
Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operations Center - IOC) đóng vai trò là bộ não tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của thành phố thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu. Đồng thời Trung tâm sẽ phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định và chỉ huy các hoạt động của thành phố, phục vụ đắc lực cho hoạt động lãnh đạo của các cơ quan đơn vị.
IOC của TP.HCM là nơi tập trung thực hiện việc giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phố như: Giao thông, An ninh công cộng, Ứng cứu khẩn cấp, Cứu nạn, cứu hộ, Cung cấp điện, Chiếu sáng đô thị, Cấp thoát nước, Thời tiết, Môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp dịch vụ công ích của thành phố. IOC giúp kinh tế phát triển, vấn đề môi trường sống và làm việc của người dân tốt hơn, hướng tới đô thị thông minh và phát triển bền vững.
Thời gian qua, TP.HCM đã đưa vào vận hành IOC là một trong bốn trụ cột xây dựng thành phố thông minh mà Thành phố đang định hướng xây dựng, phát triển. Theo mô hình chức năng, Trung tâm gồm 2 khối chính được kết nối với nhau trong hạ tầng công nghệ: Khối thứ nhất gồm tiếp nhận, điều phối và giám sát xử lý hình ảnh; Khối thứ 2 là Trung tâm thông tin điều hành nhằm tổng hợp báo cáo. TP.HCM đặt mục tiêu năm 2022 mỗi quận huyện, TP. Thủ Đức kết nối đồng bộ dữ liệu với Thành phố.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM chia sẻ, với đặc thù đông dân, quy mô, đa dạng như TP.HCM, nếu không quản trị bằng công nghệ thì không thể điều hành có hiệu quả. Thời gian qua nhiều địa phương đã rất chủ động trong việc đầu tư cho chuyển đổi số trong ứng dụng, cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, trong đó quan trọng nhất là tình trạng "mạnh ai nấy làm" mà thiếu tính kết nối hệ thống, đồng bộ, chia sẻ.
Ông Thắng cho biết, mục tiêu mà thành phố đề ra trong năm nay là mỗi địa phương cố gắng có một IOC. Ông Thắng khuyến khích các quận, huyện thuê dịch vụ để có đơn vị bảo hành, bảo dưỡng, cập nhật hệ thống theo yêu cầu, tránh tình trạng lạc hậu sau vài năm.
Cổng 1022 cầu nối giữa người dân và chính quyền
Cùng với IOC, Cổng 1022 từ một kênh chủ yếu để người dân phản ánh các sự cố hạ tầng đã trở thành một cổng thông tin quan trọng của TP.HCM, đặc biệt là trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19. Cổng 1022 TPHCM do Sở TT-TT triển khai, đến nay có sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Thành phố.
Theo đại diện của Sở TT-TT, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng phản ánh đã lên hơn 28.000. Cổng 1022 đã trở thành cầu nối hai chiều giữa người dân với chính quyền thành phố. Đặc biệt, hiện nay Cổng 1022 đang nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng rất lớn của cộng đồng, xã hội. Tất cả phản ánh của người dân sau khi được cơ quan, đơn vị xử lý đều được công khai và được người dân tham gia đánh giá sự hài lòng của mình đối với kết quả xử lý.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM cho biết, định hướng Cổng 1022 với 5 nội dung khác, và Sở TT-TT đang bám sát vào đó để thực hiện.
Một là, Cổng 1022 đã và đang được xây dựng, phát triển để trở thành Cổng thông tin đa dịch vụ, đa tiện ích, là kênh giao tiếp giữa người dân với chính quyền thành phố và phục vụ chiến lược xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Hai là, Cổng 1022 cung cấp kênh giám sát việc giải quyết kiến nghị của người dân. Kết quả xử lý thông tin còn gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, được Sở Nội vụ TP.HCM giám sát, báo cáo định kỳ và chỉ đạo từ UBND TP.HCM.
Ba là, Cổng 1022 có nhiều phương thức tiếp nhận thông tin, đảm bảo tiếp nhận thông tin 24/7 và không gián đoạn. Hiện nay, Cổng 1022 đã có 5 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Bốn là, Cổng 1022 linh động, dễ dàng mở rộng các lĩnh vực tiếp nhận. Với việc sử dụng nền tảng tổng đài thống nhất, chia sẻ hạ tầng, nguồn lực tổng đài viên thì yêu cầu này là khả thi.
Năm là, Cổng 1022 được định hướng phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI (callbot, chatbot), có khả năng tích hợp với hệ thống bản đồ số, hệ thống camera…, và hướng đến là cổng thông tin tiếp nhận, giải đáp, cung cấp thông tin giữa người dân và chính quyền thành phố.
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo đó, TP.HCM tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về DTI. Trong thời gian tới, TP.HCM tập trung đẩy mạnh và phát triển nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp và công chức. Mục tiêu phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ người dân và cán bộ công chức.
6.Quỹ Phát triển KHCN sử dụng hiệu quả cho chuyển đổi số
Trong thời gian qua, Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ (gọi tắt là Quỹ KHCN) của doanh nghiệp (DN) đã được thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Để việc sử dụng Quỹ KH-CN phát huy hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, cần tháo gỡ một số hạn chế, bất cập về thủ tục, quy trình.
Quỹ KH-CN là nguồn lực đáng kể đầu tư cho phát triển KH-CN của DN cũng như của xã hội, song sự phát triển về số lượng DN xây dựng quỹ cũng như sử dụng quỹ hiệu quả còn khiêm tốn. Năm 2017, trên địa bàn TP.HCM có 113 DN thành lập Quỹ KH-CN, trong đó 80 DN đã trích lập quỹ với tổng số tiền 1.903 tỷ đồng, nhưng chỉ sử dụng 384 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, chỉ có 98 DN báo cáo đã thành lập quỹ (74 đơn vị là DN nhà nước) với tổng cộng 489 tỷ đồng; số DN sử dụng quỹ là 26 và mới sử dụng hết 168 tỷ đồng…
Theo Sở KHCN TP.HCM, thành phố hiện có 79 DN nhà nước và 45 DN ngoài nhà nước thành lập Quỹ KHCN; trong đó có 44 DN sản xuất và 80 DN thương mại dịch vụ. Tổng số tiền trích lập quỹ là 4.400 tỷ đồng, nhưng đến nay số tiền sử dụng quỹ mới đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 30,7%.
Trước thực tế trên, ngày 31/5/2022, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư 05/2022, hướng dẫn sử dụng Quỹ KHCN của DN (có hiệu lực từ ngày 01/06/2022), đưa ra những hướng dẫn, quy chuẩn chung cho DN để xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn quỹ hiệu quả. Tuy nhiên, Quỹ KHCN của DN vẫn còn nhiều hạn chế, việc giải ngân quỹ còn thấp, chưa hiệu quả.
Theo ông Phan Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN TP.HCM), một số DN thành lập Quỹ KHCN chỉ thực hiện kê khai, báo cáo đối với cơ quan quản lý thuế và không gửi quyết định thành lập đến Sở KHCN theo quy định của Thông tư 05/2022; DN chưa mạnh dạn trích sử dụng Quỹ KHCN do vẫn chưa nắm được thủ tục thanh quyết toán tài chính khi sử dụng quỹ…
Ông Hoàng Xuân Nam, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, việc trích lập Quỹ KHCN là chính sách tốt của Nhà nước nhằm hỗ trợ các DN nâng cao năng lực công nghệ. DN thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ KHCN, trong đó DN Nhà nước phải trích từ 3-10%. Trường hợp trong năm, nhu cầu sử dụng cho hoạt động KHCN vượt quá số tiền hiện có thì được ứng trước quỹ của các năm tiếp theo hoặc tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế. Nếu sử dụng không hết, DN Nhà nước phải nộp về Quỹ KHCN quốc gia, bộ, địa phương, tối thiểu bằng 20% số quỹ đã trích lập không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số quỹ đã trích lập, kể cả nhận điều chuyển.
Theo Điều 35 Luật Chuyển giao công nghệ, DN được sử dụng Quỹ KHCN của DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KHCN, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… Những khoản chi từ Quỹ KHCN phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Khoản chi từ quỹ không được trừ chi phí khi tính thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế; trích lập và sử dụng quỹ theo nguyên tắc tiền trích trước thì sử dụng trước.
TPHCM nhận hồ sơ tham dự Giải thưởng sáng tạo trên lĩnh vực Phát triển kinh tế đến trước 31/3/2023
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có văn bản số 8919 về tham dự Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần 3 năm 2023 lĩnh vực Phát triển kinh tế. Hồ sơ tham dự gửi về Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư, số 32 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM trước ngày 31/3/2023.
Với thang điểm 100 điểm gồm 3 tiêu chí: tính sáng tạo (40 điểm), tính hiệu quả (40 điểm) và tác động xã hội (20 điểm), giải Nhất sẽ có mức thưởng 200 triệu đồng, giải Nhì có mức thưởng 150 triệu đồng, giải Ba có mức thưởng 100 triệu đồng.
Phần 3: HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ
1. Chiều 6/9, Uỷ ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025”.
2. Sáng 15/9, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các Sở - ngành TP tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
3. Sáng 15/9, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có buổi tiếp ông Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore đến chào xã giao nhân chuyến thăm và làm việc tại TP.
4. Chiều 20/9, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tiếp đoàn đại biểu Thượng viện Thái Lan do ông Supachai Somcharoen, Phó Chủ tịch Thượng viện dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại TPHCM
Phần 4: MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
1. Bộ Giao thông Vận tải ứng dụng công nghệ số trong cung cấp Dịch Vụ Công Trực Tuyến đối với lĩnh vực vận tải đường bộ
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ (tại địa chỉ https://qlvt.mt.gov.vn) trên toàn quốc từ ngày 01/01/2017. Đây là hệ thống cung cấp Dịch Vụ Công Trực Tuyến trong lĩnh vực vận tải đường bộ, triển khai thống nhất trên toàn quốc, bao gồm: Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô và Đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP trong đó quy định rõ thành phần hồ sơ và việc thực hiện thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cụ thể, quy định quy trình đăng ký khai thác tuyến áp dụng từ ngày 01/7/2021: Doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khai thác tuyến về Sở Giao thông Vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị trên hệ thống Dịch Vụ Công Trực Tuyến của Bộ Giao thông Vận tải (không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện).
Để triển khai thành công Hệ thống, thì việc số hoá dữ liệu là khâu rất quan trọng, bên cạnh việc gấp rút triển khai nhiều hạng mục với khối lượng công việc lớn, Bộ Giao thông Vận tải đã cập nhật và số hoá được trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc, cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định tại 63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ đã có gần 52 nghìn tài khoản sử dụng; quản lý được gần 1,9 triệu phương tiện hoạt động vận tải; cấp hơn 59 nghìn giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ; cấp gần 1,2 triệu biển hiệu, phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải và hơn 12 nghìn giấy phép tuyến vận tải hành khách cố định, tăng trưởng nhiều lần so với trước khi triển khai Hệ thống. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến qua Hệ thống là 1.110.785 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80,21%. ...
2. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp dễ dàng chia sẻ dữ liệu đăng kiểm
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin giúp kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tháng 8/2022, Cục tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến (mức 4), hoàn thiện phần mềm cung cấp 23 thủ tục công trực tuyến.
Cùng đó, thực hiện kết nối, đồng bộ Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ GGiao thông Vận tải với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân; cung cấp thông tin phương tiện và cổng kết nối phục vụ hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe; tham gia ý kiến đối với Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Cơ quan này cũng đang nỗ lực thực hiện các thủ tục thiết lập mạng riêng ảo MetroWan (công nghệ MPLS) kết nối mạng diện rộng (WAN) của Cục Đăng kiểm VN với mạng diện rộng (WAN) của Bộ Giao thông Vận tải phục vụ kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu với các phần mềm ứng dụng lĩnh vực Đăng kiểm; phối hợp, triển khai phần mềm quản lý Đăng kiểm Công trình biển.
Ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ, năm 2022, Cục này sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số để phục vụ doanh nghiệp, người dân, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh và công khai minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.
Theo đó, đến nay Đăng kiểm VN đã tin học hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động. Các dữ liệu về hồ sơ kỹ thuật phương tiện xe cơ giới, tàu sông, tàu biển, công trình biển, sản phẩm công nghiệp được quản lý tập trung bằng phần mềm chuyên dùng, hỗ trợ cho đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên kiểm tra hiện trường.
3. Xác thực hàng chính hãng qua QRCode trong thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) đã xây dựng hệ thống phần mềm xác thực hàng chính hãng trên nền thiết bị di động, với hệ thống phần mềm mã QRCode tĩnh và mã QRCode động, góp phần chấm dứt nỗi lo hàng giả, hàng nhái với sự hỗ trợ từ công nghệ.
Theo ông Đỗ Đình Tấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, ứng dụng của hệ thống xác thực hàng chính hãng sản phẩm cung cấp được khả năng truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm; giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái; tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình mua.
Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau qua các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…
Vừa có chức năng xác thực hàng chính hãng, vừa có chức năng chống giả, công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước.
Ngoài ra, với công nghệ QRCode tĩnh, sản phẩm được giới thiệu và dẫn tới trang web nhà cung cấp sản phẩm, hoặc một trang giới thiệu sản phẩm. QRCode + serial được sinh ra trên hệ thống và được cài đặt chỉ được quét tối đa 1 lần. Nếu quét lần tiếp theo sẽ hiển thị trang báo lỗi. Như vậy, sẽ không bị hiện tượng sao chép hình ảnh QRCode để in làm giả.
Như vậy, việc xây dựng hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua mã QRCode giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh nguồn gốc của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng, mà còn là “bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua mã QRCode hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Phần 5: VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1/ Kế hoạch số 3262/KH-UBND ngày 14/09/2022 của ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
2/ Chỉ thị số 17/CT-TU ngày 27 tháng 8 năm 2022 của Thành ủy về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh
3/ Quyết định 3079/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về Ban hành mã định danh điện tử áp dụng cho các cơ quan, đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh
4/ Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử
5/ Quyết định 3079/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Quyết định về ban hành mã định danh điện tử áp dụng cho các cơ quan, đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh
6/ Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.
7/ Quyết định 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
8/ Thông tư 10/2022/TT-BTTTT ngày 20/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-BTTTT về Danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng, có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.
9/ Thông tư số 11/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
10/ Thông báo số 276/TB-VPCP ngày 05/9/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
11/ Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT ngày 20/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
12/ Công văn số 9625/SGTVT-KT của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông báo dừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối.
13/ Công văn số 1969/STTTT-CNTT ngày 26/9/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh về tham dự Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng.