title

Dùng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy TP HCM phát triển
Monday, 20/06/2022, 07:00 AM
Cỡ chữ Màu chữ image

Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ cốt lõi để xây dựng đô thị sáng tạo, thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững tại TP HCM

TP HCM đặt mục tiêu vươn lên thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, AI được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển nhanh, bền vững.

9 nhiệm vụ trọng tâm

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành "Kế hoạch triển khai chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại thành phố giai đoạn 2020-2030" năm 2022.

Theo kế hoạch, TP HCM đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, TP HCM sẽ triển khai Đề án Xây dựng hạ tầng số với mục tiêu định hướng phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) viễn thông phát triển hạ tầng mạng di động 5G; đẩy mạnh việc chuyển đổi, ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6) cho tất cả hệ thống, ứng dụng của sở, ngành trên địa bàn; phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT).

Doanh nghiệp cơ khí chính xác tại Khu Công nghệ cao TP HCM

ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: THANH NHÂN

TP HCM cũng sẽ tổ chức ngày hội DN công nghệ thông tin - truyền thông và AI nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá các kết quả nghiên cứu, ứng dụng AI; tạo sự gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu và các đơn vị xây dựng ứng dụng. Song song đó, xây dựng cơ chế, chính sách về AI với mục tiêu xây dựng các khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội...

Để thúc đẩy việc ứng dụng AI, UBND TP HCM đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực AI. TP HCM cũng sẽ nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI để tạo ra giá trị tương lai trong ngành tin học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu AI; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển tích hợp trong các lĩnh vực liên quan AI.

Gắn mô hình Chính phủ - doanh nghiệp - trường học

Theo ông Tống Hoài Dân, CEO Công ty TNHH Giải Pháp Số Tương Lai, đô thị hóa và việc ứng dụng AI để trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh là một xu hướng tất yếu. Trước tiên, cần phân bổ mạnh hơn nguồn vốn ngân sách thành phố cho Smart City (đô thị thông minh).

Đô thị thông minh phải gắn với mô hình Chính phủ - DN - trường học. Nhân lực là bài toán hàng đầu trong việc xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra, nên đầu tư vào quỹ tài chính DN để kích thích con người trong tổ chức đó đắm mình, tiếp thu công nghệ thật thì sẽ phát triển nhanh hơn. Hơn nữa, những vấn đề lâu dài cần tạo điều kiện cho các DN sáng tạo, uy tín tham gia, thành phố cũng có thể phối hợp với DN để mở ra các trung tâm đào tạo về công nghệ số.

Bên cạnh đó, trước đây, các dự án của Chính phủ chỉ do một vài đơn vị thực hiện thì giờ nên phân bố đồng đều, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ tham gia, tạo hệ sinh thái nuôi dưỡng các tiềm năng trong DN. DN sẽ cung cấp ngược lại đội ngũ chất xám, kỹ thuật công nghệ cho thành phố, từ đó tạo được mối quan hệ tương hỗ.

Thạc sĩ phân tích tài chính Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng cần có những chính sách khuyến khích khối DN tư nhân chia sẻ và kết nối dữ liệu trong cùng lĩnh vực và đa lĩnh vực. Từ đó, các chuyên gia đầu ngành có thể phân tích dữ liệu theo cụm, mô hình hóa quy trình phát triển để nghiên cứu và tối ưu hóa những chuỗi thông tin quan trọng, giúp các ngành phát triển đồng đều, bền vững và áp dụng ngược trở lại quá trình hình thành chính sách phát triển cho từng khu vực.

Bên cạnh đó, những chuyên gia gốc Việt hàng đầu trong lĩnh vực AI từ các quốc gia phát triển nên được tạo điều kiện tham gia giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm cùng chuyên gia trong nước. Nhóm chuyên gia hàng đầu này nên họp định kỳ cùng các lãnh đạo DN cũng như nhà hoạch định chính sách để hiểu sâu lĩnh vực đang phân tích, đồng thời đưa ra mô hình phân tích cụ thể, hiệu quả tùy lĩnh vực và khu vực địa lý.

Đưa Al vào trường học

ThS Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM), cho biết nhà trường đã triển khai dạy AI cho học sinh các lớp chuyên từ 3 năm nay, bắt đầu từ học kỳ I năm học 2019-2020. Việc dạy AI trong trường được thực hiện đồng loạt theo hướng từ cơ bản ở lớp 10, sang học kỳ II lớp 11 và lớp 12 mới bắt đầu đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trường đang phải hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên để dạy AI vì chưa có nguồn giáo viên trong ngành được đào tạo để giảng dạy nội dung này.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã có những bước triển khai cụ thể để thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển Al giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, từ năm học 2022- 2023, sở sẽ đưa nội dung AI vào nhà trường. Đối với khối THCS, có thể đưa AI vào chương trình nhà trường, hoạt động của các CLB, hoạt động ngoại khóa... Đối với trường THPT, AI sẽ được đưa vào chương trình chính khóa ở lớp 11 và các hoạt động ngoại khóa, CLB. Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã chủ động liên hệ các sở, ngành, trường đại học để đặt hàng tài liệu giáo dục AI.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng lãnh đạo các đơn vị cần chủ động trong việc tận dụng, thực hiện xã hội hóa khi xây dựng các phòng học thông minh, phòng học đa chức năng để hỗ trợ việc đưa nội dung AI vào một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, chủ động triển khai, mua sắm trang thiết bị cần thiết để đưa robot, mạch điều khiển, máy tính tự động hóa... vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức sân chơi liên quan AI...

Đ.Trinh

NGUYỄN PHAN - ANH VŨ - XUÂN HUY

Nguồn: baomoi.com

# of Views: 2251