title

Chuyển đổi số giúp báo chí tồn tại, phát triển & phục vụ công chúng tốt hơn.
Thursday, 30/06/2022, 15:52 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, phát triển nền báo chí dữ liệu và phục vụ công chúng tốt hơn...

Chuyển đổi số là một lời giải cho đổi mới sáng tạo để báo chí cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.

Chuyển đổi số phục vụ công chúng tốt hơn 

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số là một trong những định hướng lớn của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ này. Hội Nhà báo xác định mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số là nhu cầu cấp bách hiện nay đối với báo chí, với những người làm báo. Trên thực tế, không phải chỉ trong lĩnh vực báo chí mà chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ và không thể đảo ngược trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Báo chí tất nhiên nằm trong xu hướng đó.

“Người làm báo đã áp dụng một số phương thức tác nghiệp mới, sử dụng công nghệ hiện đại, tổ chức các tòa soạn theo hướng đa phương tiện, tòa soạn hội tụ. Công chúng cũng đang được tiếp cận với các sản phẩm thông tin đa dạng, hiện đại”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, Hội đã đang và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia lên tiếng, đóng góp ý kiến, tham mưu xung quanh các vấn đề của Luật Báo chí, tạo hành lang pháp lý một cách thuận lợi cho báo chí phát triển.

 

 

Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm. Bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận thông tin, báo chí phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn.

Tại các diễn đàn chuyển đổi số báo chí gần đây, các ý kiến đều khẳng định, chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Hiện nay, khi quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc chuyển đổi số báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc chuyển đổi số sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông… Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, phát triển nền báo chí dữ liệu... 

Các chuyên gia nhấn mạnh, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Đại diện Cục Báo chí cho biết việc hỗ trợ của Nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan còn lại.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, nên chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.

Theo thống kê từ Cục Báo chí, tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816; trong đó báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230, báo chí điện tử là 29. Có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương là 164; địa phương là 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. 

Cạnh tranh để tồn tại 

Hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin. Mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập, khiến chất lượng nội dung sa sút... Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Sự giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng còn kéo theo những hệ lụy xã hội khác. 

Theo các chuyên gia, không có một câu trả lời chung cho tất cả các cơ quan báo chí nhưng con đường hướng đến chắc chắn sẽ phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ “vẽ” lại bức tranh của báo chí Việt Nam. Mẫu hình không giấy mới là tương lai của các cơ quan báo chí và phải đẩy mạnh digital. Không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí bởi nếu trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số sẽ là “cây bút đẹp nhất vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam”, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.

Nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, bài toán chuyển đổi số không có mô hình Một buổi Họp báo tại Trung tâm Báo chí TP.HCM 12 Bản tin Chuyển Đổi Số TP. HCM chung, mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, tài chính khác nhau. Nếu bắt chước mô hình của đơn vị khác hoặc nước ngoài sẽ gây ra sự khập khiễng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần xác định mục tiêu để có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực của mỗi báo. Chuyển đổi số không phải bức tranh màu hồng, cũng không phải những mô hình sao chép theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ là đã thành công.

Chuyển đổi số cũng không thể là những báo cáo với kết quả tô điểm bằng trăm view, nghìn like, triệu sub… Ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty cổ phần Công nghệ NEKO nhận xét, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động đi đầu trong chuyển đổi số nhưng cũng có đơn vị còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc sao chép nguyên mô hình của các cơ quan báo chí lớn nhưng không phù hợp. “Chuyển đổi số cần phải xuất phát trực tiếp từ nhu cầu của mỗi tòa soạn và các tòa soạn phải có những cách làm riêng, phù hợp”, ông Duyến nói. 

 Phát triển đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ 

Từ các căn cứ thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông trong thời gian qua cũng như trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ. 

Dự thảo Chiến lược xác định báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. 

Để thực hiện, Dự thảo nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng số, phát triển nhân lực… 

Theo các chuyên gia, chiến lược là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Điều này sẽ trả lời rất nhiều bài toán khó như: cần làm gì để phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ một cách tối ưu nhất? Việc phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả có thể được triển khai như thế nào? Phải làm gì để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi?... 

Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu. Nhà nước đã đầu tư cho báo chí trong không gian vật lý như thế nào thì giờ cũng phải quan tâm đầu tư hạ tầng, nền tảng cho báo chí, truyền thông trên không gian số: nền tảng sản xuất và phân phối nội dung; nền tảng an toàn thông tin; nền tảng thương mại, dịch vụ, thanh toán phục vụ kinh doanh nội dung số, truyền thông số. Chuyển đổi số báo chí là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Không phải cơ quan nào cũng sẽ thành công, và đó là sàng lọc tự nhiên để chỉ giữ lại những cơ quan báo chí mạnh, đủ điều kiện hoạt động và phát triển. Do đó, vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo ra nền tảng, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực, nhưng không làm thay cơ quan báo chí.

 Dùng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy TP.HCM phát triển 

TP.HCM đặt mục tiêu vươn lên thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, AI được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành "Kế hoạch triển khai chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại thành phố giai đoạn 2 0 2 0 - 2 0 3 0 " năm 2022. Theo kế hoạch, TP.HCM đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, TP.HCM sẽ triển khai Đề án Xây dựng hạ tầng số với mục tiêu định hướng phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng di động 5G; đẩy mạnh việc chuyển đổi, ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6) cho tất cả hệ thống, ứng dụng của sở, ngành trên địa bàn; phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT). 
 TP.HCM cũng sẽ tổ chức ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và AI nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá các kết quả nghiên cứu, ứng dụng AI; tạo sự gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu và các đơn vị xây dựng ứng dụng. Song song đó, xây dựng cơ chế, chính sách về AI với mục tiêu xây dựng các khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội... 

Để thúc đẩy việc ứng dụng AI, UBND TP.HCM đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực AI. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI để tạo ra giá trị tương lai trong ngành tin học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu AI; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển tích hợp trong các lĩnh vực liên quan AI.

MỘT SỐ MỤC TIÊU TRONG DỰ THẢO CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ ĐẾN NĂM 2025
• 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước).
• 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
• 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập
trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
• 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…
• 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.
ĐẾN NĂM 2030:
• 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
• 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
• 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu…
• 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa.

Ban biên tập

# of Views: 245