title

Blockchain và sự cần thiết tiến trình chuyển đổi số
Saturday, 19/11/2022, 14:10 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

“Trong bối cảnh Internet với thông tin thật giả lẫn lộn thì blockchain có thể là giá trị cộng thêm, giúp thông tin trở nên có gốc gác, truy xuất được và chuỗi thông tin chính xác, minh bạch sẽ trở thành tài sản có giá trị…”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bách Việt, Giám đốc phát triển thị trường Microtec Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp đang tham gia chuyển đổi số tại Hội thảo “Blockchain trong ứng dụng số đa ngành” và là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức vừa qua.

Động lực dịch chuyển từ Web 2.0 sang Web 3.0

Hội thảo “Blockchain trong ứng dụng số đa ngành” có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin tổng quan tới các đại biểu, doanh nghiệp và cộng đồng phát triển công nghệ tại TP.HCM đối với việc phát triển công nghệ blockchain; đồng thời đề xuất các giải pháp để hướng tới hoàn thiện tiến trình ứng dụng số và xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ông Nguyễn Bách Việt, Giám đốc phát triển thị trường Microtec Việt Nam cho biết, blockchain đem lại hai điều là niềm tin cho người sử dụng giải pháp và tính minh bạch, tin cậy về thông tin. Ông ví Internet giống như “chợ trời” thông tin, do ai cũng có thể đưa thông tin trên mạng nên không thể đảm bảo đó là thông tin đúng sự thật.

“Trong bối cảnh Internet với thông tin thật giả lẫn lộn thì blockchain có thể là giá trị cộng thêm, giúp thông tin trở nên có gốc gác, truy xuất được và chuỗi thông tin chính xác, minh bạch sẽ trở thành tài sản có giá trị. Đó là sự đột phá mà công nghệ blockchain mang lại”, ông Việt khẳng định.

Nhân loại đang ở kỷ nguyên phát triển thứ hai của Internet, đó là Web 2.0 (Internet of Information), cho phép người dùng đưa mọi loại thông tin lên Internet, cộng thêm sự bùng nổ của các mạng xã hội làm thay đổi cách con người tương tác trên không gian mạng.

Tuy nhiên, hạn chế cũng chính là không thể xác minh được thông tin, những tệp dữ liệu, hình ảnh được trao đổi khắp Internet. Do đó, Web 3.0 với sự trợ giúp của hàng loạt công nghệ như blockchain, IoT, AI có thể đưa con người tiến tới kỷ nguyên “Internet of Value” khi thông tin được xác minh và hoàn toàn có thể trao đổi các giá trị thực (tài sản số, vé xem phim, cổ phiếu...) trên không gian mạng mà không cần lo ngại gian lận hay lừa đảo.

Nhờ cấu trúc phi tập trung kết hợp với các thuật toán, blockchain giúp tăng tốc các quy trình kinh doanh, tạo ra mức độ bảo mật cao trong các giao dịch ngang hàng nên không cần đơn vị trung gian. Khi các doanh nghiệp B2B và B2C chuyển sang thị trường kỹ thuật số, blockchain tạo ra sự tin tưởng và bảo mật cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác thương mại và kinh doanh.

Trong chuyển đổi số, tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở này, ứng dụng blockchain vào quy trình vận hành doanh nghiệp góp phần thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, đáng tin cậy và nhanh chóng.

Thực tế, blockchain tạo ra sự minh bạch tối đa trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu và sản xuất đến phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, sẽ có ít rủi ro hơn và khách hàng cuối cùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hơn thế nữa, blockchain có thể trở thành công nghệ quan trọng để quản lý dữ liệu. Các nền tảng blockchain mới, hoạt động bằng cách sử dụng bằng chứng xác thực cổ phần (proof of stake) có thể quản lý an toàn và minh bạch lượng lớn dữ liệu được tạo ra trong các quy trình kinh doanh.

Ông Võ Minh Thành - Trưởng phòng Công nghệ thông tin Sở TT&TT TP.HCM

Ngoài ra, hợp đồng thông minh (smart contract) là hợp đồng kỹ thuật số chạy trên blockchain, có thể được doanh nghiệp sử dụng để thiết lập các thỏa thuận kinh doanh dựa trên cơ sở minh bạch, an toàn. Các hợp đồng thông minh từ lâu đã được sử dụng trong các quy trình kinh doanh khác nhau. Bằng cách này, công nghệ blockchain có thể cách mạng hóa việc số hóa các quy trình kinh doanh trong tương lai.

Ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Công ty Vietnam Blockchain (doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cho lĩnh vực tài chính) khẳng định, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận khác nhau về tài sản kỹ thuật số sinh ra từ Internet, từ blockchain. Nếu là tài sản thì phải bị đánh thuế theo sản phẩm. Nếu là tiền tệ thì phải được quản lý bởi cơ quan tiền tệ quốc gia (Ngân hàng Nhà nước), nếu là tiện ích (utility) thì phải được điều chỉnh cho phù hợp như thế nào.

Tăng sức mạnh cho các giải pháp ngân hàng

Khi được hỏi về chuyển đổi số các quy trình trong ngành ngân hàng, đại diện Vietnam Blockchain cho rằng, hệ thống ngân hàng lõi (core banking) đã làm rất tốt trong việc quản lý thông tin dữ liệu nhưng quá trình người dùng giao dịch với nhau lại nằm ngoài core banking.

“Blockchain trong ngành ngân hàng chỉ là giá trị cộng thêm cho những giải pháp mà ngân hàng đang có chứ không thay thế hoàn toàn hệ thống hiện tại của ngân hàng. Thậm chí có thể thanh toán xuyên biên giới, nhưng máy chủ phải được đặt ở Việt Nam và giao dịch chuyển tiền bắt buộc phải thông qua Cổng thanh toán quốc gia, được Nhà nước cho phép”, ông Đỗ Văn Long khẳng định.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Bách Việt đặt vấn đề về việc đưa blockchain vào các giải pháp thanh toán xuyên quốc gia và liệu có thể áp dụng cho Việt Nam.

 

Để làm được điều này, theo ông Long, quan trọng là bảo mật thông tin đối với thanh toán xuyên biên giới, máy chủ phải được đặt ở Việt Nam. Khi ngân hàng các nước liên thông, giao dịch chuyển tiền bắt buộc phải thông qua cổng thanh toán quốc gia và được nhà nước cho phép. Chẳng hạn, nếu ứng dụng blockchain trong thanh toán giữa ba nước Đông Dương thì chỉ có thể là một ứng dụng trung gian liên kết với core banking của các ngân hàng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà nước.

Hơn nữa, sự thành công của blockchain trong việc tạo và quản lý các loại tiền mã hóa như Bitcoin cho thấy công nghệ này đã tạo ra cuộc cách mạng về tài chính. Do đó, các doanh nghiệp cũng có thể kiểm soát tài chính bằng cách sử dụng blockchain như một sổ cái kỹ thuật số để quản lý các quy trình tài trợ, thanh toán và giao dịch nội bộ.

Chứng thực cho Blockchain

Blockchain giúp xác minh các giao dịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhưng không ít người hoài nghi, ai sẽ xác minh chất lượng của những sản phẩm được chứng thực bằng blockchain và cơ sở pháp lý để chứng thực, kiểm định các sản phẩm ứng dụng blockchain…

Về vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng việc này hoàn toàn có thể được giải quyết trong tương lai thông qua đối thoại giữa các bên. Cụ thể, Hiệp hội đang thực hiện những bước đi rất cụ thể trong việc biên soạn Tiêu chuẩn Hội viên và Bộ Tiêu chuẩn đánh giá dự án để giải quyết vấn đề nêu trên và kêu gọi những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc biên soạn tiêu chuẩn cùng nhau đóng góp.

Ông Trung nhận định: “Trong Bộ Tiêu chuẩn dự án, phần tranh cãi nhất sẽ là Tiêu chuẩn giao tiếp cộng đồng, vì các quốc gia trên thế giới vẫn còn chưa thống nhất vấn đề này”. Theo ông, cộng đồng Việt Nam và quốc tế sẽ dễ dàng nhất trí những tiêu chuẩn về công nghệ nhưng tiêu chuẩn cộng đồng là vấn đề nhạy cảm và cần sự đối thoại cởi mở, minh bạch.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Trong những năm qua, việc phát triển nền kinh tế số đã và đang được triển khai trên nhiều phương diện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước là đầu tàu trong ứng dụng công nghệ số vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất kinh doanh như: Tập đoàn Viettel, MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), các ngân hàng đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số như Vietcombank,... Các doanh nghiệp trên đã có lộ trình áp dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, sản xuất kinh doanh từ khá sớm.

 

Tại Hội thảo, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá việc Hiệp hội Blockchain Việt Nam tham gia, đồng hành chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng blockchain, đề xuất nội dung, các vấn đề đặt ra cho các cơ quan chính quyền, từ xây dựng kinh tế - xã hội số và phát triển công nghệ blockchain vào mọi mặt của đời sống. Trong tiến trình thực hiện Chuyển đổi số Quốc gia, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong nhiều ngành.

# of Views: 633