title

TP.HCM: CCHC để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp
Thứ năm, 27/04/2023, 10:50 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Văn phòng UBND TPHCM đã có Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thành phố Võ Văn Hoan tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 và triển khai công tác CCHC năm 2023 diễn ra chiều 30/3.

 

CCHC gắn kết người dân và doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nhìn nhận năm 2022, CCHC của TP.HCM đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác CCHC đã tạo đà cho TP.HCM có điểm tựa, niềm tin, sức bật mới để cạnh tranh trong năm 2023.

Ông Hùng đánh giá TP.HCM đã có nhiều mô hình CCHC hay, thiết thực và có những mô hình đã được trung ương nhân rộng, thể chế hóa. Ví dụ như mô hình TP trong TP, các mô hình trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng chính quyền điện tử... đạt được nhiều kết quả tích cực.

Qua các cuộc khảo sát, Thành phố đã quan tâm đầu tư nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật về chuyển đổi số, công nghệ thông tin để CCHC và tạo ra lợi thế, thuận lợi thực hiện các mô hình CCHC hiệu quả, gắn kết người dân và doanh nghiệp cùng đồng thuận. 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, dù có sự đầu tư và quan tâm nhưng kết quả CCHC của TP chưa tương xứng với kỳ vọng của lãnh đạo TP, của người dân và doanh nghiệp nên cần phân tích, lý giải nguyên nhân để có giải pháp cải thiện.

Trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCHC TP, đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực trong công tác CCHC mà các sở, ngành, địa phương đã đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, cải thiện chỉ số CCHC cả về xếp loại và xếp hạng.

Về đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của thành phố năm 2022, thực hiện chủ đề năm 2022, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, công tác CCHC đã được thành phố quan tâm triển khai một cách xuyên suốt, quyết liệt với một số nội dung nổi bật góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đạt được kết quả như trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo Trung ương; sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến địa phương, sự tham gia phản biện, góp ý của các đơn vị báo chí, của người dân, doanh nghiệp.

 

 

Kết quả Chỉ số CCHC sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức vừa được công bố là một kết quả khả quan, phản ánh quá trình thực hiện CCHC, sự chuyển biến tích cực của các cơ quan, đơn vị. Trong năm 2022, các ngành, các cấp đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC, đặc biệt là các đơn vị, địa phương đã có những đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; cải thiện Chỉ số CCHC cả về xếp loại và xếp hạng.

Dù vậy, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà TP đang gặp phải như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc công khai tiến độ giải quyết TTHC còn chậm so với quy định; thách thức của TP trong sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đáng chú ý, do đang trong giai đoạn đầu triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP và Đề án 06 nên người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết TTHC.

Căn cứ vào kế hoạch CCHC của TP.HCM cũng như thực hiện tốt chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh CCHC và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Võ Văn Hoan yêu cầu phải đặt CCHC là vấn đề trọng tâm, xem hiệu quả hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là trọng yếu. “Trước hết phải nâng cao trách nhiệm công vụ, trách nhiệm công chức” - ông nhấn mạnh và nhìn nhận trong vài năm gần đây đã xuất hiện tư tưởng chùn bước, ngại đề xuất trong cán bộ, công chức. Chính việc này đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ.

Để kích thích tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ, ông cho rằng cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Năm 2023, ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát và tập trung thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm.

Trong đó, đáng chú ý là phải cải cách thể chế; cải cách TTHC; xác định mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là cải cách chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công. Bên cạnh đó cần hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử…

Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh CCHC

 

Trong năm 2023, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả CCHC đã đạt được trong thời gian qua và tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm CCHC sau:

Một là tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC của TP với chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”. CCHC là trọng tâm, trong đó, hiệu quả hoạt động công vụ là trọng yếu.

Hai là nêu gương năng động, sáng tạo, quyết liệt giải quyết công việc; giao việc trong phối hợp với các cơ quan, trong tham mưu nhiệm vụ trình UBND TP phải rõ ràng, tránh  tình trạng chồng chéo; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công việc của chuyên viên, công việc tại đơn vị được UBND TP giao; tăng cường trách nhiệm giải trình cho lãnh đạo UBND TP, cho cơ quan chủ trì, phối hợp; rà soát quy trình nội bộ, quy trình liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), TTHC nội bộ; chuyển các quy trình nội bộ, quy trình liên thông gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy trình điện tử để thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Ba là cán bộ công chức cần tăng cường trách nhiệm thực thi và trách nhiệm tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai thực hiện ngay những việc mà pháp luật đã quy định rõ; mạnh dạn báo cáo, đề xuất đối với những việc pháp luật quy định chưa rõ và đề xuất giải pháp đối với những việc mà pháp luật chưa quy định để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bốn là thực hiện nghiêm quy định về xin lỗi khi hồ sơ TTHC trễ hạn; tổ chức xin lỗi trực tiếp đối với hồ sơ TTHC trễ hạn do lỗi từ các cơ quan hành chính mà người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do việc chậm trễ này.

Năm là nghiên cứu mở rộng, bổ sung các TTHC giải quyết trong 1 ngày làm việc.

Sáu là Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện các tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.

Bảy là từng cơ quan, đơn vị chủ động, khẩn trương rà soát những vụ việc, hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp và xác định nguyên nhân, trách nhiệm, xây dựng tiến độ, giải pháp, chỉ tiêu phấn đấu để hoàn thành việc xử lý hồ sơ tồn đọng hoặc tham mưu, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, quyết định; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ, theo chuyên đề.

Tám là trên cơ sở kết quả công bố chỉ số CCHC, Sở Nội vụ nghiên cứu, khuyến nghị những điểm cần khắc phục đối với từng đơn vị, địa phương. Các đơn vị, địa phương phải rà soát, xây dựng lộ trình khắc phục các hạn chế và thực hiện nghiêm để cải thiện chỉ số.

Cuối cùng là Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu UBND TP sửa đổi, bổ sung Đề án xác định Chỉ số CCHC sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, theo hướng: thu hẹp khung xếp loại kết quả chỉ số CCHC; tăng yêu cầu đối với các tiêu chí tại Đề án; điều chỉnh tăng điểm trừ đối với các nội dung quan trọng, trong đó tập trung nội dung công tác phối hợp giữa các đơn vị, hiệu quả của việc khắc phục những tồn tại (như vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng).

Tăng cường gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử

Văn phòng UBND Thành phố đã ban hành văn bản yêu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tăng cường xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường điện tử.
Lãnh đạo Văn phòng yêu cầu lãnh đạo phòng, ban, trung tâm trực thuộc thống kê tên, loại các văn bản và hồ sơ công việc đã và đang thụ lý theo nhiệm vụ chuyên môn, đề xuất thời hạn xử lý ở từng khâu. Việc đăng ký sẽ ghi nhận vào hệ thống xử lý văn bản và được phần mềm xử lý văn bản theo dõi, qua đó sẽ phân định được khâu nào cần cải tiến.

 

Ngoài ra, e-mail công vụ cũng được tăng cường sử dụng để nhận và gửi trực tiếp hồ sơ để xử lý, tránh ùn tắc ở các khâu trung gian. Phòng Hành chính – Tổ chức thực hiện việc phát hành văn bản nội bộ trên e-mail công vụ có tính năng theo dõi đã nhận, đọc. Các nội dung công việc nêu trên được áp dụng từ ngày 15/4.

Sở Tư pháp, quận Bình Tân đứng đầu về chỉ số CCHC năm 2022

UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt và công bố Chỉ số đánh giá công tác cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định, khối sở, ban, ngành gồm 26 đơn vị, tất cả đều xếp loại tốt. Trong đó Sở Tư pháp có điểm cao nhất 97.57 điểm, xếp hạng 1; Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP có điểm thấp nhất 85.18 điểm, xếp hạng 26.

Khối cơ quan ngành dọc gồm 7 đơn vị, tất cả xếp loại tốt, không xếp hạng. Trong đó Cục Hải quan TP.HCM có điểm cao nhất 95.17 điểm, Bảo hiểm Xã hội TP có điểm thấp nhất 88.12 điểm.

Khối UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện gồm 22 đơn vị, tất cả xếp loại tốt. Trong đó, UBND quận Bình Tân có điểm cao nhất 96.53 điểm, xếp hạng 1; UBND Quận 5 có điểm thấp nhất 86.22 điểm, xếp hạng 22.

UBND TP giao Sở Nội vụ tổng hợp các nội dung cần khắc phục, cải thiện của các tiêu chí bị trừ điểm tương ứng với từng đơn vị; triển khai đến các đơn vị để có giải pháp khắc phục.

UBND TP cũng giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện căn cứ kết quả Chỉ số CCHC năm 2022, những nội dung cần cải thiện, đề ra kế hoạch khắc phục để nâng cao công tác CCHC tại đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn TP.

Ban biên tập

Số lượng lượt xem: 103