Số 5 tháng 8/2022 - Số 5 tháng 8/2022 - Chuyển đổi số
Điểm tin:
TPHCM xếp thứ 3 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số.
Việt Nam – Singapore tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Bộ Quốc phòng ưu tiên chuyển đổi số toàn diện.
Tập trung số hóa tài liệu lưu trữ quốc gia.
Ngành ngân hàng giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi .
Triển khai hệ thống thông tin mã số vùng trồng.
Hội thảo trực tuyến toàn quốc "Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam".
Thu phí sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo UBND TP.HCM tham dự phiên họp thứ 3, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
Dự kiến 200 đội tham dự vòng khởi động cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2022.
Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án 06.
Chủ tịch nước dự khai trương trung tâm dữ liệu hiện đại hàng đầu Việt Nam tại TP. HCM.
Hội thi giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022.
TPHCM công bố Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Bưu điện Việt Nam ra mắt Trung tâm kinh doanh thương mại điện tử Postmart.
VNPT hợp tác với Bảo Việt, Vietinbank xây hệ sinh thái tài chính số toàn diện.
Giải pháp số phục vụ đại hội công đoàn các cấp.
Cấu trúc khối hạ tầng số, CMC hướng đến mục tiêu tập đoàn tỷ đô.
PTIT tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Công nghệ trong kỷ nguyên số.
Tiêu điểm:
Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030.
Hoạt động Chuyển Đổi Số:
Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Thành phố về Chuyển đổi số.
Mô hình Chuyển Đổi Số:
Việt Nam có thể ứng dụng Blockchain để xây dựng smart city.
Văn bản mới:
Tổng hợp các văn bản liên quan Chương trình Chuyển đổi số.
NỘI DUNG TIN THÁNG 8
Phần 1: ĐIỂM TIN
1. TPHCM xếp thứ 3 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số
Năm 2021, TPHCM vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số (DTI), tăng 2 bậc so với năm 2020. Kết quả này vừa được Bộ Thông tin và Truyền Thông công bố tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được tổ chức vào ngày 8/8 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo kết quả công bố, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về DTI. Kết quả Chỉ số chuyển đổi số là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố.
Đưa công nghệ vào phục vụ người dân, doanh nghiệp DTI bao gồm 03 cấp: DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI của quốc gia. Trong đó DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 03 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; bao gồm Thông tin chung (để cung cấp các thông tin tổng quan về tỉnh nhưng không dùng để đánh giá) và Chỉ số đánh giá gồm 09 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần.
Kết quả đánh giá, xếp hạng DTI dựa trên 09 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh); Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.
Năm 2021, Thành phố HCM phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ. Cả hệ thống chính trị căng mình đối phó với dịch bệnh Covid-19. Kết quả trên cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố cũng như quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị thành phố trong ứng phó dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chuyển đổi số, thành phố đã triển khai các nền tảng quan trọng, bao gồm: Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố và kết nối liên thông thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, thực hiện liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin của các bộ, ngành. Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung từ Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở ích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có tại các sở, ngành về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch của Thành phố HCM. Các ứng dụng nổi bật trong năm 2021 có thể kể đến gồm: Hệ thống bản đồ điện tử phục vụ công tác phòng chống dịch của Thành phố; Cổng thông tin Covid-19 Thành phố tại địa chỉ http://covid19.hochiminhcity.gov.vn với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch của Thành phố ; Cổng thông tin An toàn Covid (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành phố đăng ký và sử dụng mã QR để kiểm soát nhân viên, khách đến giao dịch; Ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường Oxy “Oxy 247”...
Cùng với đó, nền tảng đã và đang được Thành phố HCM tập trung đẩy mạnh và phát triển trong thời gian sắp tới là nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp và nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Mục tiêu phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ người dân và cán bộ công chức.
Thành phố HCM đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện DTI
Năm 2022, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải thiện DTI của thành phố với các nhiệm vụ trọng tâm như: Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông chương trình truyền thông IT TODAY năm 2022 để tuyên truyền kết quả triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, đẩy mạnh chỉ đạo tuyên truyền trên các báo, đài về các kết quả, các dịch vụ tiện ích do quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số mang lại.
Bên cạnh đó, vận hành Cổng thông tin chuyển đổi số của thành phố đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số; các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của thành phố.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND Thành phố ban hành Bộ chỉ tiêu chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và Thành phố Thủ Đức. Triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử Thành phố trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của Thành phố thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ và hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an. Tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn TPHCM (Cổng thông tin 1022). Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND Thành phố ban hành chiến lược dữ liệu thành phố. Năm 2022, ưu tiên tổ chức triển khai dữ liệu dùng chung khối đô thị (đất đai, xây dựng, giao thông, quy hoạch), an sinh, y tế và giáo dục để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thành phố tiếp tục mở rộng việc ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân, qua đó sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân Thành phố HCM. Thành phố tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.
2. Việt Nam – Singapore tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số
Sáng ngày 1/8/2022, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp ông Ng Boon Heong, Giám đốc điều hành Quỹ Temasek, Singapore. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đào tạo cán bộ quản lý TT&TT. Về phía Singapore, có Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, Tiến sỹ Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Jaya Ratnam nhận định, Singapore rất mong muốn hợp tác với Việt Nam, hai bên sẽ cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Singapore luôn xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN. Những lĩnh vực quan trọng mà hai bên có thể cùng thúc đẩy hợp tác bao gồm: đổi mới sáng tạo, thương mại xuyên biên giới, định danh điện tử, trí tuệ nhân tạo…
Đáp từ Đại sứ Jaya Ratman, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, hai nước Việt Nam và Singapore luôn có niềm tin tưởng lẫn nhau và đây là nền tảng của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Hiện tại, Việt Nam đang tập trung vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số và sẽ theo định hướng này trong nhiều năm tới. Do đó, những lĩnh vực mà Temasek có thế mạnh và mong muốn hợp tác với Việt Nam như: đổi mới sáng tạo, biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế … là rất phù hợp với Việt Nam.
3. Bộ Quốc phòng ưu tiên chuyển đổi số toàn diện
Ngày 11/8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án).
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, ngày 12/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng thời gian qua, thảo luận, đóng góp các nội dung liên quan đến nhiệm vụ xây dựng dự thảo Đề án để sớm triển khai thực hiện trong thời gian tới góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa quân đội và xác định lộ trình chuyển đổi số cụ thể.
4.Tập trung số hóa tài liệu lưu trữ quốc gia
Ngày 19/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về các hoạt động của ngành văn thư, lưu trữ trong những năm qua, định hướng phát triển và kế hoạch các hoạt động trong thời gian sắp tới.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết trong thời gian sắp tới, Cục có các hoạt động nổi bật như: Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước; xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số; kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (4/9/1962 - 4/9/2022).
Chia sẻ về Luật Lưu trữ, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh: sau hơn 10 năm triển khai (1/7/2012), Luật Lưu trữ đã phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế hiện nay, nhằm tiếp tục tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng và ngành lưu trữ nói chung; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. ...
5. Ngành ngân hàng giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi
Sáng ngày 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng do NHNN Việt Nam tổ chức.
Cùng dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Sự kiện được kết nối trực tuyến tới 63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tích cực cùng cả nước thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành, gồm "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".
Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.
Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tăng cường tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.
Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
6.Triển khai hệ thống thông tin mã số vùng trồng
Chiều 19/8, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức lễ phát động "Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn", công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp cho biết: "Việc hoàn thành và đưa Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng vào khai thác tiếp ngay sau Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. Điều này góp phần thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiêph bền vững".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán "đúng, đủ, sạch, sống" trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… dần thay đổi phương thức từ "quản lý thủ công" sang "quản lý dựa vào công nghệ số". Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt sẽ nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.
Cũng tại buổi lễ, Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua "Tích cực thực hiện Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
7. Hội thảo trực tuyến toàn quốc "Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam".
Sáng 18/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm "Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam".
Ông Nguyễn Xuân Thành Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có bà Cécile Vigneau - Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Ông Ngô Hải Phan Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC; đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia của Pháp.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày tổng quan về số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, còn được các chuyên gia của Pháp chia sẻ kinh nghiệm trong việc số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính và ý kiến đối với thực tiễn của Việt Nam. Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ về việc triển khai số hóa theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Việt Nam.
Hội thảo thuộc Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật "Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023" giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp trong khuôn khổ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước. Đây là Chương trình hợp tác tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
8.Thu phí sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Ngày 03 tháng 8 năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 9 năm 2022.
Thông tư số 48/2022/TT-BTC đã quy định rõ, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư và được cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư theo quy định pháp luật. Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả thông tin từ cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh; Công an cấp huyện và Công an cấp xã là các tổ chức thực hiện thu phí theo quy định tại Thông tư này.
9. Lãnh đạo UBND TP.HCM tham dự phiên họp thứ 3, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 08/8, tại trụ sở Chính phủ, đã diễn ra Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số 06 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ủy ban là lãnh đạo các bộ, ngành; các tập đoàn kinh tế liên quan lĩnh vực chuyển đổi số.
Tham dự tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh có lãnh đạo UBND Thành phố và các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc; chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số vào sáng ngày 8/8/2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021 - DTI 2021. Theo đó, Bộ Tài chính, Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ vị trí số một DTI của các Bộ cung cấp DVC, các tỉnh cung cấp DVC và các Bộ không cung cấp DVC năm 2021. Cụ thể:
- Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu chuyển đổi số trong số các bộ ngành
- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu về DTI của các bộ không cung cấp DVC
- Đà Nẵng giữ vững ngôi vị số 1 về DTI cấp tỉnh
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Qua thử thách này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc.
10. Dự kiến 200 đội tham dự vòng khởi động cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2022
Theo Ban Tổ chức cuộc thi, dự kiến sẽ có khoảng 200 đội thi từ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng của Việt Nam và các nước ASEAN tham dự vòng thi khởi động được tổ chức vào ngày 24/09/2022.
Cuộc thi do Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Cục ATTT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ GDĐT, Bộ TT&TT. Đây là một hoạt động thuộc khổ sự kiện thường niên "Ngày ATTT Việt Nam" năm 2022. ...
11. Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án 06
Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị do Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 10.644 điểm cầu UBND cấp huyện, cấp xã. 130.700 đại biểu tham dự Hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước.
Tham dự tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cùng lãnh đạo một số các Sở, ngành tại thành phố.
Việc triển khai Đề án 06 nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả, gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực, trong đó có thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đối số để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số; đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên cơ sở lấy người dân là trung tâm, là động lực, là mục tiêu và là chủ thể của sự phát triển. Thực tiễn thời gian phòng, chống dịch vừa qua càng khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của nhiệm vụ này, như việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng vaccine, bảo đảm an sinh xã hội…
"Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả và trước mắt và lâu dài", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Sơ kết 6 tháng năm 2022, các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, kể từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, cụ thể, nhiều dịch vụ công mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Người dân, doanh nghiệp dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại.
Kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước; nhiều nhiệm vụ đầu tư cần xem xét, quyết định sớm; khó khăn, thách thức phía trước còn không ít, thậm chí có cả "lực cản". Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả Đề án 06 rất quan trọng này.
Tại Hội nghị, các cơ quan đã chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng. Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống CSDLQG về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên… Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin…
12. Chủ tịch nước dự khai trương trung tâm dữ liệu hiện đại hàng đầu Việt Nam tại TP. HCM.
Chiều 15/8, tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận. Đây vừa là trung tâm dữ liệu, vừa là hạ tầng điện toán đám mây được xem là hiện đại, an toàn nhất Việt Nam hiện nay, đạt nhiều tiêu chuẩn cao của quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, giúp kiểm soát chi phí tốt hơn và giảm rủi ro.
Trung tâm Dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận là cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC trước Thủ tướng Chính phủ từ năm 2019. Sau 2 năm triển khai, Trung tâm được hoàn thành tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TPHCM, trên diện tích 13.000 m2, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Đây là trung tâm dữ liệu được B-Barcelona Singapore thiết kế, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe cho một trung tâm dữ liệu hiện đại.
Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu phát triển của TPHCM là đến năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ chất lượng cao, công nghệ hiện đại, văn hóa tiên tiến, dẫn đầu về phát triển kinh tế số, xã hội số.
Để đạt mục tiêu đó, sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp công nghệ có tiềm lực, tầm nhìn và tâm huyết, sáng tạo như CMC là rất quan trọng.
Bày tỏ ấn tượng về khát vọng, ý chí vươn lên ngang tầm thế giới của một số doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam trong đó có CMC, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tập trung nguồn lực, nhanh chóng giúp TPHCM trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của cả nước và khu vực.
Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn CMC cần đặc biệt quan tâm quản lý và vận hành, xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và nhân sự chất lượng cao, tăng cường liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ khác trong phát triển hạ tầng công nghệ số và nhân lực công nghệ số. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hy vọng Trung tâm sẽ thật sự là trái tim trong hoạt động chuyển đổi số mà doanh nghiệp cung cấp cho Chính phủ, Thành phố và các đối tác khách hàng trong và ngoài nước.
Tham dự lễ khai trương TTDL Tân Thuận, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đại diện là công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS) một lần nữa lại làm thay đổi ngành Bưu điện. Bưu chính Viễn thông và CNTT đã trở thành Bưu chính Viễn thông, CNTT và CĐS. Xuất hiện một khái niệm mới là HTS. HTS là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM), hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT), hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số. Hạ tầng số không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số (KTS). Sự chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng của nền KTS là sự chuyển đổi mang tính lịch sử. Sự chuyển đổi này là cuộc đổi mới lần 2 của ngành Bưu điện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những hạ tầng quan trọng nhất của HTS là hạ tầng ĐTĐM, hay còn gọi là TTDL (Data Center.) Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn.
Chính vì lẽ đó mà việc đưa TTDL Tân Thuận với diện tích sàn sử dụng 12.000m² và xấp xỉ 3.000m² không gian dành cho thiết bị CNTT với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn lên tới 12.000kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU đi vào hoạt động được coi là sự đầu tư lớn và có ý nghĩa đặc biệt đối với HTS của Việt Nam.
TTDL Tân Thuận của CMC được B-Barcelona Singapore thiết kế tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một TTDL hiện đại như PCI DSS, ISO 27001:2013/ ISO 9001:2015. Đây là TTDL đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có đánh giá phòng chống rủi ro TVRA và có chứng chỉ Uptime Tier III về xây dựng…
Là nhà cung cấp dịch vụ trung lập, TTDL Tân Thuận của CMC có hạ tầng kết nối quốc tế như một Digital Hub của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hệ sinh thái khối HTS chuẩn mực, nếu coi mạng lưới hạ tầng viễn thông thông suốt là mạch máu thì TTDL chính là trái tim.
Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, sản phẩm, dịch vụ CĐS an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ an toàn an ninh thông tin tin cậy nhất, TTDL trung lập quy mô lớn thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu… Chuyên gia quốc tế cũng như CMC tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực.
13. Hội thi giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố về triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020-2030 năm 2021-2022. Ngày 8/8, đồng chí Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức “Hội thi giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022” (sau đây gọi tắt là Hội thi AI).
Hội thi do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố HCM, Hội Tin học thành phố, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức.
Hội thi nhằm thúc đẩy và phát triển học tập tin học, trong đó chú trọng học tập về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng vào chương trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế để xuất và cải tiến các giải pháp tiên tiến ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo nhằm giải quyết các bài toán quan trọng phục vụ cuộc sống.
14. Thành phố HCM công bố Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường
Chiều 17/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố HCM tổ chức công bố “Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường” nhằm phục vụ các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định đã ban hành.
Theo nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn TPHCM hàng năm.
Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố HCM đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên, môi trường Thành phố HCM tại địa chỉ https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn.
Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên, môi trường và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên, môi trường hình thành Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân để cùng nhau đồng hành thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thành phố HCM; làm tiền đề cho thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử (hướng đến chính quyền số) hay Đề án xây dựng Thành phố HCM trở thành đô thị thông minh (hướng đến xã hội số).
15. Bưu điện Việt Nam ra mắt Trung tâm kinh doanh thương mại điện tử Postmart
Chào mừng kỉ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Bưu điện, sáng 15/08 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức ra mắt Trung tâm Kinh doanh Thương mại điện tử Postmart và khai trương gian hàng trải nghiệm Postmart tại trụ sở Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Trung tâm Kinh doanh Thương mại điện tử Postmart có nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế số nông thôn, xây dựng và phát triển nền tảng thương mại điện tử quốc gia; tổ chức vận hành kinh doanh nền tảng sàn TMĐT Postmart.vn; chủ dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ số khác trong hệ sinh thái thương mại điện tử theo mô hình B2B, B2C, C2C; xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, thử nghiệm, phát triển các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Ông Chu Quang Hào - Tổng giám đốc đã nhấn mạnh bưu chính phải đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Để đảm bảo dòng chảy này, sàn TMĐT Postmart.vn, là một trong hai sàn TMĐT thuần Việt Quốc gia có sứ mệnh rất lớn lao. Trung tâm kinh doanh TMĐT Postmart là một dự án trọng điểm không chỉ trong việc hình thành hệ sinh thái các dịch vụ của Tổng công ty mà còn phù hợp với tiến trình chuyển đổi số Quốc gia.
16. VNPT hợp tác với Bảo Việt, Vietinbank xây hệ sinh thái tài chính số toàn diện
Ngày 11/8, trong khuôn khổ Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau do Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Bảo Việt và Ngân hàng Vietinbank nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính - bảo hiểm số toàn diện, nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng trên cơ sở phát huy thế mạnh hiện có của từng doanh nghiệp.
17. Giải pháp số phục vụ đại hội công đoàn các cấp
Năm 2022 và 2023 là các năm mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức đại hội các cấp. Nắm bắt được yêu cầu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ cho công tác tổ chức đại hội, VNPT TP. HCM đã phát triển giải pháp số phục vụ đại hội công đoàn các cấp.
Tại hội nghị do Công đoàn Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam tổ chức mới đây, bà Lê Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT của VNPT Thành phố HCM (VNPT–IT) đã giới thiệu giải pháp ứng dụng số phục vụ đại hội công đoàn các cấp. Đây là một giải pháp trọn vẹn bao gồm từ các khâu chuẩn bị trước, trong, và sau đại hội. Các thông tin, tài liệu của đại hội có thể đưa lên giải pháp này để các đại biểu theo dõi trong thời gian đại hội, thậm chí các khâu bầu cử, biểu quyết các chỉ tiêu… đều được thực hiện trong ứng dụng này.
Giải pháp được thiết kế theo dạng module đáp ứng và tùy chỉnh theo yêu cầu của từng đại hội, nghĩa là trong trường hợp không sử dụng phần nào của ứng dụng thì có thể tách ra phần đó; việc tùy chỉnh được thực hiện nhanh chóng trong khoảng một ngày.Thông qua ứng dụng, người điều hành đại hội có thể nhìn thấy biểu đồ đại hội, nắm bắt được tình hình đại biểu tham dự đại hội, tiết kiệm thời gian ghi chép.
18. Cấu trúc khối hạ tầng số, CMC hướng đến mục tiêu tập đoàn tỷ đô
Với mục tiêu trở thành tập đoàn tỷ đô vào năm 2025, mới đây Tập đoàn Công nghệ CMC có những động thái mạnh mẽ tái cấu trúc với khối hạ tầng số.
Nằm trong chiếc lược trở thành tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam và khu vực, khối hạ tầng số của Tập đoàn CMC là sự phối hợp giữa CMC Telecom - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với hạ tầng mạnh, hệ sinh thái trung tâm dữ liệu (TTDL) tiêu chuẩn quốc tế, nhà cung cấp dịch vụ đám mây với CMC Cyber Security - nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp với 15 năm kinh nghiệm. Sự kết hợp này sẽ giúp khối hạ tầng số CMC góp phần vào chiến lược đưa Việt Nam trở thành trung tâm số (digital hub) của khu vực với hạ tầng số hiện đại và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Mới đây, trong phiên thảo luận tại hội thảo "The future of Internet" do VNNIC tổ chức, đại diện lãnh đạo của CMC Telecom, ông Đặng Tùng Sơn - DCEO/CMO đã chia sẻ về chủ đề "Viet Nam - The next Asia Digital Hub". "Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao và trở thành trung tâm số hay không thì điều kiện tiên quyết chính là hạ tầng số. Chiến lược của CMC trong lĩnh vực viễn thông là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam thành một Digital Hub trung chuyển trong khu vực, bên cạnh Hồng Kông hay Singapore", ông Sơn nhấn mạnh.
Bắt nhịp xu hướng kinh doanh trên thế giới với mô hình "Telco làm Security", sự kết hợp giữa CMC Telecom và CMC Cyber Security trong khối hạ tầng số sẽ mang lại cho khách hàng khối tài chính ngân hàng, các tập đoàn lớn cần hạ tầng kết nối mạnh mẽ, data center tiêu chuẩn, bảo mật tuyệt đối và các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cần những hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ cao cấp trên nền tảng điện toán đám mây với chi phí tối ưu.
19. PTIT tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Công nghệ trong kỷ nguyên số
Ngày 15/8, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công nghệ trong kỷ nguyên số”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện. Tham dự hội thảo có, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện; bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Qualcomm Vietnam và các chuyên gia cấp cao của Tập đoàn Qualcomm.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Phát triển kinh doanh Qualcomm Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số cùng với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ 5G, IoT, AI và điện toán đám mây, Qualcomm mong muốn thông qua hoạt này thúc đẩy các ý tưởng về đổi mới sáng tạo, góp phần nhanh chóng đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ không chỉ ở Châu Á mà vươn ra cả thế giới. Việc hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn này, cụ thể thời gian vừa qua, Qualcomm đã đồng hành và hỗ trợ nghiên cứu cho 4 dự án nghiên cứu của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong các lĩnh vực về 5G, AI trí tuệ nhân tạo, IoT Internet vạn vật, UAV hệ thống máy bay không người lái”. Đồng thời, Giám đốc Phát triển kinh doanh Qualcomm Việt Nam cũng chia sẻ: sự kiện hôm nay trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập trường, đây là sự kiện rất ý nghĩa để chúng tôi có cơ hội mang đến và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn sinh viên Học viện về xu hướng công nghệ trong kỷ nguyên số. Tôi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban lãnh đạo nhà trường đã không ngừng chinh phục tầm nhìn sứ mệnh của mình để đưa Học viện phát triển như ngày hôm nay, Học viện đã đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư cũng như nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cho xã hội, góp phần đưa Việt Nam phát triển thành cường quốc công nghệ trên thế giới”. ...
Phần 2: CHỦ ĐIỂM TRONG THÁNG:
Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Kinh phí dành cho an ninh mạng tối thiểu 10%
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 duy trì thứ hạng 25 - 30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) (Chỉ số GCI); Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp khác có một đơn vị bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Đồng thời, bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng (theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Kinh phí bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển ứng dụng (app) Internet an toàn nhằm bảo vệ người dân trên môi trường mạng; phát triển ứng dụng (app) tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT cho người sử dụng; phát triển nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thay đổi thói quen, hành vi trên môi trường mạng theo các chuẩn mực an toàn.
Bảo vệ an ninh mạng cơ quan nhà nước
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định triển khai một số hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước (CQNN), tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
Nghị định yêu cầu CQNN, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải xây dựng quy định sử dụng, quản lý và bảo đảm an ninh mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Nội dung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng căn cứ vào những quy định về bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin (ATTT) mạng và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan.
Quy định sử dụng, bảo đảm an ninh mạng máy tính của CQNN, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: Xác định rõ hệ thống mạng thông tin (HTTT) và thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an ninh mạng; Quy định rõ các điều cấm và các nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng, mạng máy tính nội bộ có lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước phải được tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính, các thiết bị, phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, trường hợp khác phải bảo đảm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Mạng máy tính truyền đưa bí mật nhà nước phải tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính kết nối Internet. Một trong các nội dung quy định sử dụng, bảo đảm an ninh mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương là mạng máy tính truyền đưa bí mật nhà nước phải tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính kết nối Internet.
Chi tiết https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/mang-may-tinh-truyen-dua-bi-mat-nha-nuoc-phai-tach-biet-vat-ly-hoan-toan-voi-mang-may-tinh-ket-noi-internet-119220816175530077.htm
-------------------------------------------------------
Cấp thiết đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin
Đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng cho các hệ thống thông tin (HTTT) là một công tác quan trọng hàng đầu trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS). Hiện, vẫn còn 95% bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện đầy đủ kiểm tra, đánh giá ATTT định kỳ các HTTT. Do đó, đòi hỏi cấp thiết đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin.
100% chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT trước khi sử dụng, cập nhật
Tại phiên họp thứ ba của Uỷ ban CĐS quốc gia mới đây, Bộ TT&TT cho biết trong 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các HTTT tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022.
Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái ATTT mạng đạt 95,5%. Tỷ lệ sản xuất/nhập khẩu tháng 6/2022 đạt 72,6%. Đã có 922/3022 HTTT của cơ quan nhà nước (CQNN) được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT, đạt 31%.
Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trên 95% các bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện đầy đủ hoạt động kiểm tra, đánh giá ATTT định kỳ cho các HTTT thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. 100% cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT mã nguồn đối với các HTTT trước khi đưa vào sử dụng và khi nâng cấp, cập nhật.
Các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện triển khai giám sát ATTT ở mức cơ bản, chủ yếu mới thực hiện giám sát 2/4 lớp kỹ thuật: lớp mạng và lớp hệ điều hành (máy chủ) và cơ sở dữ liệu (CSDL); chưa chú trọng giám sát lớp ứng dụng và lớp endpoint (người dùng, thiết bị đầu cuối). Tỷ lệ HTTT cấp 3, 4, 5 được giám sát mới đạt 69,9%.
Bên cạnh đó, nhân lực ATTT mạng cũng chưa đáp ứng yêu cầu, bình quân mỗi đơn vị chuyên trách về ATTT mạng của bộ, ngành và địa phương có 2,4 người, bằng một nửa so với yêu cầu tối thiểu là 5 người.
Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về 2 nguyên tắc, 4 giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cụ thể, hai nguyên tắc là: HTTT chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.
Bốn giải pháp là: phần mềm nội bộ do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ theo quy trình Khung phát triển phần mềm an toàn; HTTT triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; HTTT được kiểm tra, đánh giá ATTT mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; HTTT được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT cũng đề nghị tổ chức xác định, phân loại và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ của 100% các HTTT thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30/9/2022; triển khai các phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ trước ngày 15/11/2022 và cho dừng các HTTT không bảo đảm ATTT mạng theo quy định của pháp luật từ ngày 01/01/2023.
Bên cạnh đó, các tổ chức cần giám sát cho 100% HTTT thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành giám sát ATTT mạng cho 100% các HTTT cấp độ 3, 4, 5 trước ngày 15/11/2022; tăng cường tổ chức diễn tập thực chiến về ATTT theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Các tổ chức tối thiểu tổ chức 01 diễn tập thực chiến trong năm 2022, hoàn thành trước ngày 30/11/2022.
Bộ TT&TT cũng đề nghị 100% các HTTT kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT trước ngày 15/11/2022; rà soát, bổ sung nhân lực ATTT (theo hình thức thuê chuyên gia), bảo đảm tối thiểu mỗi đơn vị chuyên trách ATTT mạng của các bộ, ngành và địa phương có tối thiểu 05 chuyên gia về ATTT, ứng cứu sự cố, hoàn thành trước 15/12/2022.
Tăng cường nhân lực chuyên trách ATTT
Trao đổi thêm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong CĐS, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết có ba tồn tại an ninh mạng hiện nay là: sự tấn công chủ động, trong đó các CQNN, các tập đoàn lớn cũng đã bị tấn công; mất an ninh an toàn trong kết nối khi các đơn vị không chủ động các giải pháp, các kế hoạch, đầu tư, vẫn còn có bộ, địa phương vi phạm những quy định về an ninh, an toàn; các văn bản đảm bảo cho thu thập dữ liệu chưa kịp thời, dẫn đến các nguy cơ mất ATTT trong quá trình CĐS và xây dựng trung tâm dữ liệu lớn.
Theo Bộ Công an, có 4 nguyên nhân liên quan đến ATTT mạng và CĐS. Đầu tiên là nhận thức của nhiều cấp uỷ, địa phương, các cơ quan bộ về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đặc biệt sau khi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TT&TT thống nhất về các hướng dẫn về các thiết bị, hạ tầng và các tiêu chuẩn thì triển khai chưa đạt kết quả. Thứ hai là tiến độ xây dựng CSDL và HTTT của một số ngành, địa phương rất là chậm nên các TTHC, các hồ sơ nộp TTHC cũng bị chậm theo. Thứ ba là tình trạng của các công ty cung cấp HTTT không nắm được quyền quản trị dẫn đến nguy cơ bị lộ lọt thông tin, không đảm bảo được an ninh thông tin. Thứ tư là nhân lực CNTT quá mỏng.
Để đảm bảo an ninh mạng trong xây dựng và phát triển CPĐT, cần phải triển khai tổng thể, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Theo đó, Bộ Công an đề nghị các bộ ngành phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng các nghị định: Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định định danh và xác thực, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng và nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm an ninh mạng.
Bộ Công an cũng đề nghị sớm xây dựng chiến lược đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT trong CQNN, phấn đấu đạt trung bình mỗi đơn vị chuyên trách về ATTT mạng của bộ, ngành và địa phương có tối thiểu là 5 người; ưu tiên nguồn lực với 2 đề án gồm đề án phát đào tạo triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021 - 2025, đề án đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.
Tiếp theo cần tăng cường trách nhiệm đảm bảo an ninh mạng, ATTT cho HTTT của đơn vị chủ quản hệ thống. Do vậy, các cơ quan chủ quản HTTT phải có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh mạng, ATTT cho hệ thống đang quản lý, sử dụng, đảm bảo tiến độ trong việc kết nối đến hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, bảo đảm tỷ lệ chi kinh phí cho sản phẩm, dịch vụ ATTT tối thiểu theo quy định.
Đối với các HTTT trọng yếu, Bộ Công an cũng thống nhất đề nghị phải xây dựng, triển khai giải pháp an ninh, an toàn theo cấp độ. Những cơ quan đã được Bộ Công an kiểm tra an ninh mạng, ATTT cần khẩn trương khắc phục các tồn tại. Các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần chủ động, phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực. Lực lượng chuyên trách về an ninh mạng phải kiểm tra thường xuyên HTTT nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ gây mất an ninh, ATTT mạng.
------------------------------------
Từ 1/10, dữ liệu người dùng Việt Nam phải được lưu trữ trong nước
Nghị định 53 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022 đã dành 1 chương quy định về lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam...
Lưu trữ tối thiểu 24 tháng và đặt văn phòng tại Việt Nam
Theo quy định mới, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam, bao gồm: dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu); dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Nghị định 53 cũng nêu rõ trình tự, thủ tục yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Hình thức lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam do doanh nghiệp quyết định. Thời gian lưu trữ dữ liệu theo quy định tại Điều 26 Nghị định này bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
Thời gian đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Nghị định này bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.
Nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật An ninh mạng được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.
Nghị định cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; đồng thời thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định, các doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 của Nghị định này phải hoàn thành lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
An ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước
Nghị định mới của Chính phủ cũng quy định triển khai một số hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương. Trong đó, về xây dựng, hoàn thiện quy định sử dụng mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương, Nghị định 53 yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải xây dựng quy định sử dụng, quản lý và bảo đảm an ninh mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Nội dung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng căn cứ vào những quy định về bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan.
Liên quan đến quy định sử dụng, bảo đảm an ninh mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương, Nghị định nhấn mạnh yêu cầu xác định rõ hệ thống mạng thông tin và thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an ninh mạng. Quy định rõ các điều cấm và các nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng, mạng máy tính nội bộ có lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước phải được tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính, các thiết bị, phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet. Trường hợp khác phải bảo đảm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Quy trình quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật trong vận hành, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng đối với dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.
Điều kiện về nhân sự làm công tác quản trị mạng, vận hành hệ thống, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và liên quan đến hoạt động soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước qua hệ thống mạng máy tính.
Quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cán bộ, nhân viên trong quản lý, sử dụng, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin…
Nghị định cũng quy định xây dựng, hoàn thiện phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương. Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương có trách nhiệm ban hành phương án bảo đảm an ninh mạng với hệ thống thông tin do mình quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tập trung, có sự chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư trùng lặp.
Phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin gồm: Quy định bảo đảm an ninh mạng trong thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu cơ bản như yêu cầu quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ; thẩm định an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; dự phòng, ứng phó, khắc phục sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; quản lý rủi ro; kết thúc vận hành, khai thác, sửa chữa, thanh lý, hủy bỏ.
Ngoài ra, Nghị định quy định phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
------------------------------------------------------------
An toàn thông tin giúp chuyển đổi số được bền vững
Bức tranh an toàn thông tin tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sử dụng công nghệ để giải quyết xung đột địa chính trị và an toàn thông tin giúp chuyển đổi số được bền vững…
Bảo vệ tài nguyên số quốc gia, tài sản số
Tại Hội thảo và triển lãm quốc tế An toàn thông tin diễn ra ngày 26/8 tại TP.HCM, ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, nhận định: “Trước những đòi hỏi và thách thức toàn cầu mới, chúng ta cần một tư duy mới trong chiến lược đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở mọi cấp độ từ Chính phủ đến các cơ quan doanh nghiệp và kể cả người dân. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bảo vệ tài nguyên số quốc gia, tài sản số của các cơ quan doanh nghiệp và của chính người dân."
Đồng thời, Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam còn cho biết, bức tranh an toàn thông tin trên thế giới và tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ và ngày càng lớn. Đáng chú ý, xuất hiện việc sử dụng công nghệ thông tin để giải quyết xung đột địa chính trị đã trở thành một hiện thực. Và chuyển đổi số là tất yếu để đi lên. An toàn thông tin giúp chuyển đổi số được bền vững.
Nói về hiện trạng và xu hướng an toàn thông tin, PGS. TS Trần Minh Triết, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam đã đề cập những mã độc nguy hiểm trong thời gian qua như phần mềm độc hại Malibot cho Android Banking nhằm đánh cắp thông tin tài chính, ví tiền điện tử và dữ liệu cá nhân; Mã độc Flubot trên thiết bị di động đánh cắp dữ liệu đăng nhập và mật khẩu tài chính
Bên cạnh đó, còn có mã độc tống tiền (ransomware) Ryuk đã từng thu về 34 triệu USD từ một nạn nhân. Năm 2022, Ryuk vẫn bùng nổ và đang phát triển mạnh mẽ; Mã độc Alienbot được xem như Malware-as-a-Service (MaaS) tấn công từ xa thiết bị Android; Anubis là trojan ngân hàng cho Android có khả năng ghi âm và được phát hiện trên hàng trăm ứng dụng khác nhau có sẵn trong chợ ứng dụng của Google… Trong đó, lừa đảo phổ biến nhất là email và tin nhắn SMS; Tấn công qua chuỗi cung ứng tăng 6,5 lần so với năm 2021.
Một số sơ hở gây nguy hiểm cho hệ thống công nghệ thông tin phải kể đến như lỗ hổng Dirty Pipe trong Linux Kernel tạo điều kiện cho các mã độc xâm nhập máy chủ và nền tảng thiết bị IoT; Lỗ hổng Log4Shel trong thư viện Log4j. Apple, Cloudflare, Twitter, Tesla, Amazon, Steam đều bị ảnh hưởng; Lỗ hổng Log4Shel cho phép thực thi mã từ xa trên máy chủ thư điện tử Exchange Server; Lỗ hổng ProxyLogon 3 plugin WordPress làm ảnh hưởng đến hơn 84.000 website; Lỗ hổng CSRF cho phép thực thi chương trình từ xa. POC đã được công bố. Việt Nam đã ghi nhận dò tìm lỗ hổng này.
Về tấn công có chủ đích (APT), nhóm ATP36/27/28/29 và IndigoZebra hoạt động tích cực trong năm qua và công cụ phổ biến của APT là Coltbat Strike, Mimikaz, China Chopper, Living off the Land (LotL), njRAT. Mã độc phổ biến của APT là Sodinokibi, Darkside, Egregor.
Hoàn thiện pháp lý về an toàn thông tin
Bức tranh an toàn thông tin Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng ghi nhận 6.641 cuộc tấn công mạng; Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng; hệ sinh thái có 22 sản phẩm đạt 95,5%; Tuy nhiên, gần 100% cơ quan chưa kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mã nguồn trước khi đưa vào sử dụng phân mềm.
TS Trần Minh Triết, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam cho biết, vi phạm thông tin trên không gian mạng và tình trạng lộ thông tin cá nhân gia tăng. Do đó, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; Đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh khi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật và tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận.
“Để đẩy mạnh an toàn thông tin trong chuyển đổi số, Việt Nam cần hoàn thiện pháp lý về an toàn thông tin. Chi hội An toàn thông tin phía Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Một khi bị lộ thông tin cá nhân thì người dân sẽ dè dặt, lo ngại không dùng chuyển đổi số; hoặc nếu ứng dụng khó dùng hoặc không ổn định thì họ cũng sẽ “quay lưng” với chuyển đổi số”, TS Trần Minh Triết khẳng định.
Thực tế hiện nay, mới chỉ có Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022, phê duyệt Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia; Ban hành tiêu chí đánh giá giải pháp, dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng; Ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022.
65% tổ chức dành 5% đầu tư cho an toàn thông tin
Tỷ lệ kinh phí dành cho an toàn thông tin trong tổng nguồn vốn đầu tư công nghệ thông tin của 147 đơn vị, doanh nghiệp mà VNISA phía Nam khảo sát trong năm 2022 thì có 65% tổ chức có tỷ lệ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin dưới 5% trên tổng nguồn vốn đầu tư cho công nghệ thông tin. Trong khi tỷ lệ này năm 2021 là 49%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc đầu tư cho an toàn an ninh thông tin.
Ngoài ra, việc sử dụng chữ ký số có khuynh hướng tăng nhẹ so với 2021. Cụ thể, có 69% tổ chức có sử dụng chữ ký số trong giao dịch với bên ngoài (tỷ lệ này năm 2021 chỉ có 60%) và 46% tổ chức có sử dụng chữ ký số trong giao dịch nội bộ tổ chức (tỷ lệ này năm 2021 là 45%).
Đáng chú ý, các đơn vị có triển khai, áp dụng các quy trình nghiệp vụ về an toàn thông tin trong khảo sát 2022 dưới 50%, hơi thấp hơn so với 2021. Do đó, Chi hội VNISA khuyến nghị doanh nghiệp cần cải thiện việc triển khai quy trình thao tác chuẩn (Standard operating procedures) để phản hồi lại các sự cố mất an toàn thông tin.
Về khả năng phát hiện tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công thì kết quả khảo sát năm 2021 và 2022 về (tính từ 1/2021-7/2022) khá tương tự nhau. Cụ thể, khoảng 24-26% các tổ chức chưa ghi nhận việc bị tấn công mạng; 26-28% các tổ chức ghi nhận là không bị tấn công mạng; 27-31% các tổ chức đã có theo dõi đầy đủ khi bị tấn công.
Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19, có 95% tổ chức tham gia khảo sát năm 2021 và 2022 đều cho biết đơn vị mình đều làm việc và hội họp trực tuyến. Trong đó, 27% gặp vấn đề về an toàn thông tin như lộ thông tin do chia sẻ tập tin qua hội họp hoặc có người tham gia họp không theo kế hoạch (tỷ lệ này năm 2021 là 20%).
Về chủ trương thuê ngoài (out-source) các dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin như dịch vụ theo dõi, giám sát an toàn mạng (20 đơn vị) và dịch vụ phát hiện, phòng chống virus máy tính được quan tâm nhiều (21 đơn vị); Số lượng tổ chức dự định/chủ trương thuê ngoài dịch vụ tư vấn hệ thống an toàn thông tin trong năm 2022 (9 đơn vị) ít hơn so với năm 2021 (25 đơn vị); Nhiều tổ chức không/chưa có chủ trương thuê ngoài các dịch vụ về bảo đảm an toàn thông tin (50 đơn vị).
Với chủ đề hội thảo Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược an toàn an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới, Chi hội VNISA phía Nam cũng kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, mỗi tỉnh/thành cần có một kế hoạch chiến lược an toàn thông tin, phù hợp với chuyển đổi số của địa phương, khả thi với năng lực hiện có; Cần tổ chức thử nghiệm, diễn tập để hệ thống công nghệ thông tin vẫn có thể tồn tại qua các sự cố lớn; Phát triển nguồn lực, nâng cao trình độ dân trí, nhằm tạo ra thế hệ công dân số.
Đối với doanh nghiệp, đưa chuyển đổi số vào các hoạt động của từng tổ chức, hình thành nền kinh tế số an toàn và bảo mật; Đầu tư đầy đủ cho an toàn thông tin để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn một cách bền vững; Chăm nom đội ngũ kỹ sư an toàn thông tin và/hoặc sử dụng thuê dịch vụ an toàn thông tin chuyên nghiệp để vững vàng hơn trước các thách thức về an toàn thông tin.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng với Chi hội An toàn thông tin phía Nam đã ký kết hợp tác chiến lược trong mảng an toàn thông tin cho TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
An ninh thông minh: Hướng đi đúng của hiện tại và tương lai
Nhiều thiết bị, giải pháp công nghệ mới, hiện đại đã được giới thiệu tại triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - thiết bị an toàn, bảo vệ, tòa nhà thông minh năm 2022 (Fire Safety & Rescue Vietnam - Secutech Vietnam - SMAbuilding 2022).
Sự kiện do Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục Công nghiệp an ninh Bộ Công an phối hợp với các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp (DN) phối hợp tổ chức với mục tiêu tạo thêm các cơ hội, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực PCCC&CNCH.
Đồng thời, sự kiện cũng giới thiệu, quảng bá hình ảnh lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, khu vực và thế giới; tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư, hỗ trợ của các nước phát triển và các tổ chức, DN trên toàn cầu trong lĩnh vực trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về PCCC&CNCH của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục Công nghiệp An ninh còn phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, trải nghiệm kỹ năng thoát nạn, kỹ năng chữa cháy, CNCH cho người dân và khách tham quan. Đồng thời, còn có các Hội nghị hoạt động chuyên ngành: Hội thảo, tọa đàm quốc tế "Chuyển đổi số trong công tác PCCC&CNCH và giải pháp khoa học - công nghệ PCCC cho nhà siêu cao tầng, công trình có nhiều tầng hầm", hội thảo "An ninh thông minh"…; các hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ an ninh, an toàn PCCC&CNCH…
Phần 3: HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ
1. Sáng 08/8/2022, lãnh đạo UBND Thành phố đã tham dự Phiên họp thứ ba của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Sáng 9/8, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức đã tham dự trực tuyến Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Hội nghị diễn ra tại trụ sở Chính phủ và các điểm cầu do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì.
3. Sáng 9/8, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan đã tham dự buổi họp về báo cáo các sản phẩm đầu ra, cơ chế tài chính hỗ trợ Nhóm Công tác chung Thành phố Hồ Chí Minh - Ngân hàng Thế giới.
4. Sáng 12/8/2022, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố HCM Võ Văn Hoan tham dự và chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các Chi số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của Thành phố.
5. Chiều 15/8, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức tham dự Hội nghị tập huấn những nội dung trọng tâm của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)
6. Chiều 29/8, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức dự Hội nghị trao đổi giữa chuyên gia Ngân hàng thế giới và lãnh đạo Thành phố về Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố.
7. Sáng 30/8, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức dự Hội nghị thường niên lần thứ 5 Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
8. Chiều 30/8, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan nghe 8 nhóm kỹ thuật trình bày về sản phẩm đầu ra, chuẩn bị cho phiên tổng kết nhóm HWG.
Phần 4: MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Việt Nam có thể ứng dụng Blockchain để xây dựng smart city
Thành phố thông minh (smart city) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Có nhiều định nghĩa về smart city nhưng một trong những định nghĩa chung nhất đó là “một thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao hiệu quả hoạt động, chia sẻ thông tin, mang đến chất lượng dịch vụ công và phúc lợi công dân tốt hơn”. Nói cách khác, smart city ứng dụng các công nghệ hiện đại như Blockchain, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)... để giải quyết các thách thức của đô thị và tạo nên một cơ sở hạ tầng bền vững.
6 BÀI TOÁN SMART CITY CÓ THỂ ỨNG DỤNG BLOCKCHAIN
Tại Hội thảo “Blockchain đóng góp gì để xây dựng smart city?” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 18/8, Ông Nguyễn Đức Tuấn, quyền Giám đốc CESTI nhận định, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến xây dựng smart city nhằm cải thiện khả năng vận hành đô thị. Năm 2021 là năm có sự bùng nổ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ Blockchain và đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, tiêu biểu là hoạt động kiến tạo đô thị thông minh.
Hiện nay, tiềm năng Blockchain và ứng dụng vào smart city được rất nhiều chính quyền thành phố, chính phủ các nước trên thế giới quan tâm. Blockchain được ứng dụng vào smart city để giải quyết những bài toán cụ thể. Khi nền tảng đã được thiết lập vững chắc, vai trò của Blockchain mới xuất hiện. Chính công nghệ sổ cái phân tán sẽ giúp smart city giải quyết 6 bài toán then chốt về tăng cường bảo mật, cải thiện y tế, quản lý rác thải, đơn giản hóa giáo dục, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa giao thông. Đây là những khía cạnh rất cơ bản để phục vụ đời sống của công dân trong thành phố.
Tuy nhiên, theo Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, để xây dựng smart city, điều quan trọng nhất là chính sách và phải có những biện pháp để đo lường mức độ hài lòng, sự tương tác của người dân. Người dân có thể không biết smart city là gì nhưng họ sẽ quan tâm đến giải pháp cho ba vấn đề, đó là, rác thải, giao thông và dịch vụ công.
Chẳng hạn, quản lý rác thải sao cho hiệu quả là vấn đề cấp thiết của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Blockchain có thể giúp duy trì môi trường sạch đẹp bằng cách theo dõi quy trình thu gom, tái chế rác thải theo thời gian thực một cách minh bạch.
Song song đó, Blockchain sẽ góp phần thúc đẩy giao thông vận tải bằng cách cho phép chủ sở hữu phương tiện đăng ký quyền sở hữu, theo dõi phương tiện giao thông, từ đó ngăn chặn nạn trộm cắp xe.
Ở mảng dịch vụ công, Blockchain giúp cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà bằng cách tạo ra cơ sở dữ liệu an toàn, minh bạch. Các bên dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin trên mạng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo dữ liệu không bị giả mạo nhờ đặc tính không thể chỉnh sửa của sổ cái phân tán, được hỗ trợ bởi cơ chế đồng thuận.
IOT QUAN TRỌNG VỚI SMART CITY
Cũng theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trước khi nói đến Blockchain, muốn tiếp cận smart city thì phải bắt đầu từ các nền tảng như IoT, con người và bất động sản.
Bên cạnh Blockchain, một công nghệ khác rất quan trọng đối với smart city đó là IoT -hệ thống Internet kết nối tất cả thiết bị thông minh và có thể tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng thành phố, quản lý định danh của người dân.
Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, hiện nay có hai tiêu chuẩn IoT phổ biến nhất là LoRaWan và NB-IoT mà Việt Nam có thể nghiên cứu. Trong đó, LoRaWan là giao thức IoT công suất thấp, diện rộng, cho phép mọi người thiết lập mạng của riêng mình với chi phí cạnh tranh, do LoRa Alliance tạo ra (lora-alliance.org).
Ngược lại, NB-IoT là giao thức do các nhà mạng di động cung cấp, được phát triển bởi 3GPP và có mức phí cao hơn nhưng lợi thế là độ trễ thấp, cung cấp trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho người dùng cuối (end user).
Smart city IMD-SUTD (SCI) là một chỉ số quan trọng để đánh giá smart city dựa trên nhận thức của người dân đối với các công nghệ đang được ứng dụng trong thành phố. Năm 2021, SCI xếp hạng 118 thành phố trên toàn cầu để đánh giá mức độ phát triển smart city, dựa trên 5 lĩnh vực là y tế, giao thông, hoạt động, cơ hội làm việc - học tập và quản trị. Trong đó, TP.HCM xếp hạng 88, Hà Nội xếp hạng 87 về mức độ phát triển smart city.
“Dù thứ hạng vẫn còn khiêm tốn khi đặt cạnh thế giới, smart city không phải là công nghệ khó đối với TP.HCM. Thành phố này có rất nhiều tiềm năng về dân số, đóng góp cho ngân sách rất lớn, kinh tế phát triển mạnh... nhưng vẫn cần các chính sách phù hợp”, ông Phan Đức Trung Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định.
Để xây dựng smart city, theo ông Phan Đức Trung, điều quan trọng nhất là chính sách và phải có những biện pháp để đo lường mức độ hài lòng, sự tương tác của người dân. Việt Nam cần cải thiện chỉ số IMD - SUTD và có chính sách thúc đẩy 6 hướng đi smart city dựa trên 3 nền tảng IoT, con người và bất động sản.
Cho đến nay, mới chỉ có 41/63 tỉnh thành tại Việt Nam đã và đang xây dựng Đề án phát triển smart city. Mỗi tỉnh thành đặt mục tiêu dùng giải pháp đô thị thông minh để giải quyết các nhu cầu khác nhau như nạn kẹt xe, cải cách hành chính công, hay phát triển du lịch…
Phần 5: VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI
1. Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022, trong đó quy định phối hợp thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”.
4. Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
5. Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.
6. Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022.
7. Thông tư số 48/2022/TT-BTC ngày 03/8/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
8. Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
9. Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 08/8/2022 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 08/8/2022.
10. Kế hoạch số 1576/KH-STTTT ngày 08/8/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh về tổ chức “Hội thi giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2022”.